Các mẹ lan truyền cách chữa tưa lưỡi thế này, phụ huynh chớ làm theo kẻo con lại mắc bệnh nặng

Ngọc Minh 2017-07-11 10:30
- Dùng nước rau ngót sống, nước muối tự pha loãng, mật ong… đánh tưa lưỡi cho trẻ có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc thêm một số bệnh cho trẻ nhỏ.

Dùng nước rau ngót sống vệ sinh tưa con bị tiêu chảy không ngừng

Thấy con thường bú kém, chị Đỗ Minh Tuyết (Hà Nội) quan sát lưỡi con và phát hiện có nhiều cặn. Mẹ chồng chị Tuyết nói, do có nhiều tưa lưỡi nên bé Heo (3 tháng tuổi) mới bỏ ăn. Bà bảo do chị không chịu đánh tưa lưỡi cho con cho nên con mới bị như vậy. Ngay sau đó mẹ chồng chị Tuyết xuống bếp lấy lá rau ngót vò nát. Bà dùng nước vắt của lá rau ngót đánh tưa cho bé Heo. Mẹ chồng chị dặn, mỗi ngày sáng tối đều phải đánh tưa lưỡi cho con như vậy, kinh nghiệm dân gian truyền lại thì không thể nào sai.

Sau 2 ngày, thực hiện đánh tưa lưỡi cho con bằng nước lá rau ngót sống, bé Heo bị tiêu chảy. Lúc đầu chị Tuyết nghĩ do chị ăn phải thức ăn gì lạ  nên cho con bú dẫn đến đau bụng. Số lần tiêu chảy của bé Heo ngày càng tăng dù chị đã cho con uống men tiêu hóa. Qua khám và xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé Heo bị tiêu chảy cấp cho bị nhiễm vi khuẩn Ecoli.

Đánh tưa lưỡi cho con kiểu này, nguy hại cho trẻ khôn lường

Đánh tưa lưỡi theo những phương pháp dân gian có thể gây nguy hại cho trẻ nhỏ, ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, cha mẹ hiện nay đang mắc phải rất nhiều sai lầm nghiêm trọng. Trong đó có việc vệ sinh miệng và lưỡi khiến trẻ bị nấm lưỡi thậm chí mắc các bệnh lý khác.

Không ít trường hợp bệnh nhi bị nấm lưỡi hay bị tiêu chảy do áp dụng vệ sinh đánh tưa lưỡi bằng các phương pháp dân gian như dùng nước rau ngót sống, dùng nước muối pha loãng để vệ sinh cho trẻ…

“Dùng lá rau ngót sống đánh tưa lưỡi cho trẻ rất nguy hiểm. Trong trường hợp rau ngót bón đạm, hoặc có tồn dư chất hóa học gây ra ngộ độc cấp cho trẻ. Quá trình chế biến giã không đảm bảo vệ sinh có thể nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Còn việc đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng nước muối loãng khiến trẻ phải uống thêm một lượng muối vào cơ thể. Lượng muối tích tụ lại nhiều trong cơ thể trẻ sơ sinh có thể gây ra quá tải cho thận”, PGS.TS Dũng nói.

Nguy cơ bị nấm miệng

Thói quen hàng ngày vệ sinh miệng không đúng cách làm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm nấm Candidans. Cha mẹ dùng gạc y tế đánh tưa lưỡi cho trẻ vô tình làm tổn thương, loét lớp niêm mạc miệng vốn rất mỏng manh, tạo điều kiện cho nấm phát triển.

PGS.TS Dũng cho hay, khi trẻ nhỏ bị nhiễm nấm miệng trên bề mặt lưỡi của trẻ có những mảng trắng rất khó lấy ra. Nấm lưỡi để lâu không điều trị sẽ ăn loang khắp lưỡi, làm mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn, đau đớn, khó bú, bỏ bú và quấy khóc. Nấm miệng nếu không điều trị kịp thời sẽ lan xuống dưới gây nấm họng, nấm phổi, nấm ruột và biến chứng nấm huyết. Nấm miệng cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh chống nấm theo đường bôi tại chỗ hoặc đường uống toàn thân.

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là cách để phòng bệnh nấm lưỡi tốt nhất. Trẻ uống sữa công thức hoặc khi ăn dặm nên cho trẻ uống một chút nước để tráng miệng. Khi trẻ bị nhiễm nấm miệng không áp dụng biện pháp dân gian dùng lá ngót, mật ong, thuốc cam hay dùng gạc, nước muối loãng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Đối với trẻ lớn hơn hạn chế ăn kẹo ngọt vào buổi tối để không tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Sau khi, trẻ ăn xong cần nhắc trẻ súc miệng bằng nước muối với trẻ lớn tuổi hơn nên nhắc trẻ đánh răng.

Khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh nấm lưỡi nên đưa trẻ đi khám sớm để được bác sĩ điều trị kịp thời.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vì sao con gái luôn thơm?