11 sự thật mẹ cần biết về phân của bé sơ sinh

Thụy Du 2015-07-08 17:49
- Ngay sau khi chào đời, phân của trẻ sẽ có những thay đổi dần dần và có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình sức khỏe của trẻ.

Chuyện "ị, tè" của bé sơ sinh cũng quan trọng chẳng kém gì các hoạt động khác và là một trong những điều khiến bố mẹ quan tâm nhất. Chẳng thế mà mỗi ngày mẹ đều phải chờ đợi xem bé ị chưa, phân có gì khác thường không,... vì điều đó cũng thể hiện tình hình sức khỏe của bé. Tuy nhiên, phân của bé sơ sinh đôi khi hơi... khác thường và thay đổi liên tục khiến mẹ lo lắng. Dưới đây là những thông tin các mẹ cần biết về phân của bé sơ sinh để "đối chiếu" xem cục cưng nhà mình hôm nay có gặp vấn đề gì không nhé:

1. Phân su

Khi bé "ị" lần đầu tiên sau khi chào đời, phân của bé sẽ có màu đen và dính. Chúng được gọi là phân su và xuất hiện trong ruột của em bé trước khi chúng được sinh ra. Em bé sẽ có ít nhất 1 - 2 ngày đại tiện ra phân su. Đến ngày thứ 2, phân su của bé sẽ bớt dính hơn, nhưng vẫn có màu tối.

2. Những vệt hơi hồng trong tã của bé là điều bình thường

Trong vài ngày đầu tiên, các tinh thể acid uric trong nước tiểu của bé có thể để lại các vết ố màu hồng nhạt, màu cam đỏ trên tã. Điều này khá bình thường trong vài ngày đầu tiên. Nhưng nếu nó vẫn xảy ra sau ngày thứ 4, bạn nên gặp bác sĩ để có sự tư vấn tốt nhất.

3. Phân của em bé sẽ dần sáng màu hơn

Đến ngày thứ 3, phân của bé sẽ dần trở nên sáng màu hơn (ví dụ, nó sẽ có màu xanh rêu thay vì màu xanh đen, màu đen trước đó). Nếu em bé của bạn vẫn có phân su vào ngày thứ 3, bạn nên gặp bác sĩ để tìm hiểu.

4. Đến khoảng ngày thứ 5, phân của bé sẽ có màu vàng

Tới khoảng ngày thứ 5, phân của bé nên có màu mù tạt vàng (hoặc màu xanh lá cây, màu da cam nhẹ). Lúc này, phân của bé cũng nhiều hơn so với trước.

Những điều cần biết về phân của trẻ sơ sinh

5. Số tã bé thay tăng dần trong 5 ngày đầu

Trong 5 ngày đầu tiên sau khi chào đời, số chiếc tã em bé làm ướt sẽ tăng dần theo tỷ lệ thuận với số ngày em bé chào đời. Ví dụ, ở ngày thứ nhất, bé sẽ thay ít nhất 1 chiếc tã, ngày thứ 2, bé phải thay ít nhất là 2 chiếc tã và cứ như vậy.

6. Mỗi bé nên thay 5 tã lót kể từ ngày thứ 5 trở đi

Từ ngày thứ 5 trở đi, 1 em bé phải có ít nhất 5 lần thay tã đã bẩn trong 24 giờ. Các tã lót nên có màu nhạt và không có mùi gây kích ứng.

7. Em bé đại tiện ít nhất 3 lần mỗi ngày

Từ khoảng ngày thứ 5 trở đi, một em bé thường "ị" ít nhất 3 lần mỗi ngày. Nhiều trẻ bú sữa mẹ sẽ còn đại tiện nhiều hơn thế. Khi bú sữa mẹ, phân của bé thường có màu vàng mù tạt. Các bé dùng sữa bột có xu hướng đại tiện ít hơn và có phân màu nâu và có mùi khá khác.

8. Phân có bọt màu xanh lá cây

Đôi khi, 1 lượng lớn bọt màu xanh trong phân của trẻ có thể cho thấy rằng người mẹ cho con bú có thể có chế độ ăn chưa đúng.

9. Em bé không đại tiện

Sau khoảng 6 tuần hoặc lâu hơn, một số em bé bú sữa mẹ không đại tiện như bình thường. Một số bé chỉ đi vệ sinh trong vài ngày hoặc lâu hơn. Điều này hoàn toàn bình thường.

10. Điều gì xảy ra khi bé bắt đầu ăn thức ăn rắn

Khi con bạn được khoảng 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn thức ăn rắn, phân của bé có thể thay đổi chút ít. Chúng có xu hướng trở nên cứng hơn và có thể có nhiều màu sắc, tùy thuộc vào những gì bé ăn. Ví dụ, nếu bé ăn các loại rau màu cam như cà rốt hoặc bí đỏ, các bà mẹ có thể thấy rằng phân của bé sẽ có màu cam sáng.

11. Nên gặp bác sĩ trong trường hợp nào

Các bà mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ ngay nếu nhận thấy những dấu hiệu như có máu, nước nhầy lẫn trong phân, phân màu đen (ngoại trừ 2 ngày đầu tiên sau khi chào đời) vì chúng có thể cho thấy bé đang có vấn đề về sức khỏe.

Thụy Du - (Dịch theo BB)
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 loại mặt nạ sẵn có trong nhà chăm sóc da khi trời nồm