Tin 'bác sĩ mạng xã hội', mẹ suýt ân hận vì hậu quả khủng khiếp

2016-12-19 13:06
- Theo chuyên gia y tế, thông tin mà Google hay mạng xã hội mang lại chỉ nên dừng ở tính chất tham khảo. Muốn chẩn đoán đúng và có phác đồ phù hợp phải qua thăm khám của bác sĩ.

Ngày nay, Google hay mạng xã hội đã trở thành công cụ tìm kiếm không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Nhiều người còn phong Google là "Giáo sư biết tuốt", bởi có thể tìm được mọi thứ bằng 1 cái click chuột.

Thậm chí, khi bị bệnh, nhiều người chỉ lên Google gõ và tìm hiểu rồi tự mua thuốc, không chịu đi khám bác sĩ.

Tin "bác sĩ mạng xã hội" quá mức

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay đã tiếp nhận hàng chục trường hợp ngộ độc do tự ý tìm cách điều trị bệnh trên mạng. Trong đó, có một trường hợp người bệnh bị ung thư máu đang điều trị ổn định tại viện Huyết học và Truyền máu TW.

Người này lên mạng tìm thấy thông tin ăn mật cóc có thể chữa được ung thư nên đã tìm mua mật cóc về nuốt. Hậu quả là bệnh nhân này phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng bị ngộ độc, suy nội tạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Sau 2 tuần điều trị tích cực, người bệnh đã may mắn qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Phương Thảo (Chuyên khoa Nhi) cũng cho biết: "Tình trạng các bậc phụ huynh tự ý lên mạng tìm kiếm cách chữa bệnh khi con ốm không hề hiếm. Chúng tôi thường xuyên phải tiếp nhận những ca bệnh trẻ nhỏ bị ngộ độc vì bố mẹ tự ý cho con uống thuốc, chữa bệnh theo kinh nghiệm trên mạng". 

Bác sĩ Thảo cho biết, nhiều bà mẹ cho rằng những loại thuốc rất lành và quen thuộc như vitamin có thể cho con uống hoặc truyền tùy thích. Nhưng nếu không có chế độ uống vitamin hợp lý vẫn có thể khiến con bị ngộ độc.

Bác sĩ này nói: "Từng có trường hợp một người mẹ mang con đến khám trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn và hay nôn trớ. Sau khi khám, bác sĩ phát hiện cháu bé bị ngộ độc do thừa vitamin D. Do thấy con bị rụng tóc, khô da nên người mẹ này đã lên mạng tra cứu. Google đưa ra kết quả là cháu bị còi xương nên người lập tức mua vitamin D về cho con uống mà không có chỉ định của bác sĩ".

Ôm thêm bệnh vì tin bác sĩ Google

Bác sĩ còn nêu ra một số trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện vì biến chứng nặng nề do dùng thuốc theo hướng dẫn trên mạng Internet như: nhỏ nước muối thường xuyên cho con vào mùa đông, xông lá để chữa viêm mũi dị ứng, đắp bã thuốc lên vết thương hở...

Trên một trang mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm chăm con, một bà mẹ đã chụp ảnh khuôn mặt con bị nổi những hạt mụn sữa để hỏi tên bệnh và cách chữa trị. Rất nhiều người đã vào comment tên đủ loại thuốc bôi da cho trẻ nhỏ, chụp ảnh đơn thuốc mà con mình từng sử dụng, thậm chí có người còn khuyên nhai bã trầu rồi đắp lên da cho con... dù họ không có kinh nghiệm.

Trong trường hợp này, bác sĩ Phương Thảo nhận định: "Nếu trong trường hợp trên, người mẹ thật sự nhai bã trầu đắp lên cho con có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu. Tôi đã từng tiếp nhận một ca bệnh nhi bị loét da cổ, do mẹ nghe lời khuyên trên mạng xã hội, tự ý lấy thuốc tán nhỏ, trộn vôi rồi rắc vào vùng bị xước của con".

bác sĩ google

Hình ảnh một bà mẹ hỏi kinh nghiệm chữa bệnh trên mạng xã hội.

Bác sĩ cũng khẳng định, những ông bố bà mẹ tìm cách chữa bệnh cho con qua Google hay mạng xã hội là thiếu cẩn trọng và có phần vô trách nhiệm. Bác sĩ này nói: "Thay vì ngồi than thở về bệnh của con trên mạng nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám hiệu quả nhất".

Kháng thuốc, không hết bệnh vì "bác sĩ Google"

Theo các chuyên gia y tế, việc tự chẩn đoán qua mạng Internet có thể khiến người bệnh có những đánh giá lệch lạc về tình trạng sức khỏe của mình. Từ đó, người bệnh sẽ tự chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là tự kê toa để sử dụng thuốc. 

Tình trạng kháng kháng sinh vì chữa bệnh theo Google đã xảy ra với trẻ nhỏ khi các bậc phụ huynh dùng thuốc một cách "tùy thích".

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết: "Tình trạng tùy tiện mua thuốc kháng sinh để điều trị cho con của các bậc cha mẹ đã đẩy nhiều đứa trẻ vào vòng nguy hiểm. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng kháng kháng sinh do sử dụng không đủ liều, dùng nhiều ngày và không có chỉ định".

Bác sĩ Trần Văn Đồng (Bệnh viện Nội tiết TW) cho biết: "Đối với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu... nếu sử dụng đơn thuốc từ bác sĩ Google sẽ dẫn đến nguy hiểm chết người. Còn đối với những căn bệnh thường gặp khác như cảm cúm hay viêm đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh nếu lạm dụng thuốc".

Anh Phúc (40 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội) bị viêm đường tiết niệu, bị đau buốt và khó khăn khi đi tiểu, tiểu ra máu, nước tiểu đục. Anh lên mạng tra cứu và tự ý mua thuốc kháng sinh nitrofurantoin và cephalexin về uống.

Sau khi tự uống thuốc 2 ngày, anh không còn đau rát nên đã dừng lại. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, bệnh lại tái phát, anh Phúc tiếp tục uống thuốc đến khi hết triệu chứng. Sau nhiều lần như vậy, bệnh viêm đường tiết niệu của anh không có dấu hiệu đỡ mà còn tăng nặng, dường như kháng sinh không còn hiệu quả.

Bác sĩ Trần Văn Đồng cảnh báo, nhiều người bệnh tự kê toa có thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn trên mạng Internet có thể làm hại chính mình như kháng thuốc, ngộ độc, say thuốc... 

Trước tình trạng trên, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo rằng, người bệnh chỉ nên sử dụng Google hay mạng xã hội để kiểm tra các triệu chứng chung của bệnh. Quan trọng nhất là phải đến bệnh viện, phòng khám để chẩn đoán và có phác đồ điều trị hợp lý.

Lương Chi

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập chữa gù lưng chỉ với 5 phút mỗi ngày