Ngày Tết bữa cơm thất thường, ăn uống thế nào để đi làm không đuối sức?

2017-01-30 10:30
- Ăn nhiều đồ nếp, ăn không đúng bữa, ăn nhiều đồ giàu dinh dưỡng nhưng ít vận động,... là những lý do khiến cơ thể chậm chạp, mệt mỏi và dễ đuối sức khi đi làm trở lại sau Tết.

Trong dịp Tết, mọi người thường có những cuộc vui cùng bạn bè ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào. Chính điều này làm mất thói quen ăn uống điều độ và gây đuối sức khi bắt đầu trở lại công việc. Vậy phải bổ sung dinh dưỡng, ăn uống như thế nào để khi đi làm trở lại không bị đuối sức sau một cái Tết ăn uống thất thường?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Dung (Phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ), việc ăn uống ngày Tết muốn đảm bảo sức khỏe phải tuân theo những quy tắc nhất định. Ví dụ như chỉ nên ăn vừa phải đồ nếp, đồ xào nấu, vì những đồ ăn này giá trị dinh dưỡng rất cao hay hạn chế rượu bia hết sức có thể...

Ngày Tết ăn uống thất thường, làm thế nào để đi làm trở lại không bị đuối sức

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Dung dành nhiều lời khuyên về việc ăn uống thế nào để đi làm trở lại không bị đuối sức sau ngày Tết.

"Việc mọi người ăn uống thất thường vào ngày Tết là điều dễ xảy ra. Các bạn khi đi chơi Tết ở bất cứ nhà ai cũng sẽ được mời ăn. Ăn nhiều lần như vậy sẽ thành ăn vặt, mất cảm giác đói. Chưa kể trong bữa cơm Tết thường có đồ nếp như bánh chưng, bánh tét. Trong thành phần tinh bột của đồ nếp có chứa chất khó hòa tan, gây tính dẻo, khi ăn vào sẽ khó tiêu. Nếu bạn ăn quá nhiều đồ nếp sẽ dẫn đến tình trạng ít khi thấy đói vào bữa ăn sau, vậy nên sẽ bỏ bữa", bác sĩ Dung nói.

Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tuần nên mọi người ít tập thể lực, tiêu hao năng lượng ít hơn thường ngày. Trong khi đó, các bữa ăn lại ăn nhiều đồ giàu dinh dưỡng nên năng lượng dư thừa dễ tích tụ lại, gây cảm giác chậm chạp, ì ạch.

Bác sĩ Dung đưa ra lời khuyên đối với những người "lỡ" ăn quá đà, uống quá nhiều, làm mất đi nhịp độ ăn uống sau ngày Tết: "Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng 1- 2 ngày trước khi bắt đầu đi làm trở lại, các bạn nên dừng việc ăn uống thất thường, bắt đầu ăn đúng bữa, cân đối lại khẩu phần ăn. Ngoài ra, nên ăn nhiều các chất mát, uống nhiều nước, quay lại quy luật hoạt động bình thường. Hãy lập lại trật tự và đồng hồ sinh học của mình trước khi trở lại cuộc sống bình thường".

Ngày Tết ăn uống thất thường, làm thế nào để đi làm trở lại không bị đuối sức

Chế độ ăn vào dịp Tết nên cân bằng rau thịt, chất xơ, chất đạm

Bữa ăn hàng ngày chú ý gì?

Bác sĩ Dung cho biết, ở những bữa ăn hàng ngày trong dịp Tết, cần phải có khẩu phần ăn cân bằng giữa thịt cá, bánh chưng cùng các loại rau củ, salad để đảm bảo chất xơ vào cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và thanh lọc được cơ thể. 

Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn cuối kỳ nghỉ, cần tích cực bổ sung các loại vitamin qua rau củ quả, bổ sung nhiều vitamin B qua các loại thực phẩm như súp lơ, ngô... để giúp chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất được tốt hơn. Ăn nhiều hoa quả tính mát như cam, chanh, bưởi để có thêm vitamin C... giúp thanh lọc.

"Hãy chọn những loại hoa quả tươi ngon nhưng dễ thấy trong dịp Tết như bưởi, thanh long, vì đây là những loại quả ít đường, chứa nhiều chất có lợi. Các bạn có thể ăn thêm các loại thực phẩm tính mát như đậu xanh, bột sắn dây. Hoặc cũng có thể pha nước chanh để uống nhưng nên cho ít chất đường. Ăn đồ ăn nhẹ nhàng, thanh đạm hơn, nhiều rau củ quả để cơ thể cảm thấy được cân bằng".

Ngoài ra, đối với các chị em có thể uống thêm viên vitamin B, cung cấp khoáng chất để tăng cường thêm miễn dịch cho cơ thể.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dàn sao Việt rộn ràng ăn mừng Messi và đồng đội vô địch World Cup 2022