Lấy ráy tai không đúng cách sẽ để lại hậu quả khó lường

Lazy 2015-08-12 08:30
- Ráy tai được xem là vệ sĩ của cơ thể và có rất nhiều tác dụng nhưng vô tình trong cuộc sống con người lại không biết bảo vệ đúng cách.
Cấu tạo tai của mỗi người bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có nhiệm vụ hứng sóng âm thanh trong không gian để truyền vào tai giữa và tai trong qua tác động làm rung màng nhĩ. Ống tai ngoài có các tuyến tiết ra chất bã nhờn tựa như mồ hôi tiết ra từ những tuyến hạch nhỏ trộn lẫn với những tế bào chết rơi ra trong lỗ tai gọi là ráy tai.
Ráy tai có hai thể là khô hoặc ướt, tùy thuộc vào cơ địa từng người. Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ thành ống tai, do trong thành phần ráy tai có chất kháng sinh, có chất kết dính để bẫy, dính vi khuẩn. Khi những hạt bụi bẩn trong không khí và côn trùng nhỏ nếu chẳng mau bay vào lỗ tai thì chất nhờn ráy tai sẽ ngăn không cho chúng đi sâu vào bên trọng, tránh gây tổn hại cho thính giác. Bên cạnh đó, con người có thể nghe được âm thanh là nhờ dao động của màng nhĩ, nằm ở độ sâu khoảng 25 mm, âm thanh trước khi tới màng nhĩ phải đi qua ống tai ngoài. Tại đây, ráy tai có nhiệm vụ làm giảm bớt cường độ của các sóng âm, tránh cho màng nhĩ bị kích thích quá mạnh. Nhờ vậy, khi có những âm thanh quá mạnh như tiếng sấm, tiếng động cơ máy bay, màng nhĩ mới khỏi bị tổn hại.
Lấy ráy tai không đúng cách sẽ để lại hậu quả khó lường
Hiểu được cấu tạo của tai để bạn không làm tổn thương tai
Tuy nhiên, rất ít người biết được tác dụng của ráy tai nên đã vô tình làm tổn hại bộ phận này. Mang con đến bệnh viện trong tình trạng bị kết luận uốn ván do thủng màng nhĩ, chị Trần Thị Ngọc (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Mình thường tự lấy ráy tai cho con bằng tăm bông nhỏ, bình thường cháu vẫn kêu thích. Một hôm, cháu bỗng khóc ré lên, rồi bỏ bú, quấy khóc và sốt nhẹ”.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc phải chứng giảm thính lực hay chảy máu tai cũng vì do sở thích lấy ráy tai nhưng không đúng cách. Anh Lưu Văn An (Ba Đình, Hà Nội) thường có thói quen lấy ráy tai khi đi cắt tóc bởi cảm giác “phê phê, sung sướng” khi được nhân viên lấy ráy tai. Sau vài năm thấy tai có cảm giác đau, nghe không rõ anh mới tá hỏa khi bác sĩ kết luận bị thủng màng nhĩ.
Một lượng lớn người dân có thói quen lấy ráy tai không đúng cách
Số liệu công bố mới đây khiến không ít người giật mình. 58,4% bị đau tai, 8,82% bị đau tai nặng phải điều trị nguyên nhân do lấy ráy ở tiệm cắt tóc. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương phải xử lý hàng trăm ca bị thủng màng nhĩ mỗi năm, chưa kể các bệnh viện khác trong cả nước.
Viện Pasteur Tp.HCM xét nghiệm bông ngoáy tai của một  tiệm cắt tóc đã tìm  thấy: 1.328 vi khuẩn Staphylococcus aureus33 loại nấm khác nhau, trong đó có nấm Aspergillus flavus rất nguy hiểm cho tai, mũi, họng.
Theo nghiên cứu của Viện Tai mũi họng Hoa Kỳ, khoảng 10% trẻ em, 5% người lớn và trên 57% người già bị ảnh hưởng bởi một trong những bệnh trên mà nguyên nhân là do lấy ráy tai quá nhiều hoặc không đúng cách. 
Thói quen ngoáy tai, lấy ráy tai nhiều sẽ gây rách, trầy xước da ống tai, làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết bên dưới lớp biểu bì gây viêm ống tai. Vi khuẩn có thể có sẵn trong ống tai hoặc đưa từ ngoài vào khi ngoáy tai. Mặt khác, lấy ráy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém. 
Nhiều người đã đến tiệm cắt tóc để lấy ráy tai nhưng do không được đào tạo bài bản nên thợ cắt tóc không có kiến thức về sinh lý cũng như bệnh lý của tai. Do đó, có người sau khi lấy ráy tai đã bị ngứa tai hoặc ráy tai nhiều hơn, đóng đầy trong ống tai gây ù tai, nghe kém chưa kể dụng cụ lấy ráy tai được dùng chung cho rất nhiều người và không được vệ sinh sạch sẽ cho lần sử dụng sau. 
Việc lấy ráy tai quá nhiều sẽ để lại nhiều biến chứng như: ù tai, khả năng nghe kém, ngứa tai, chóng mặt, đau tai, viêm tai dẫn đến điếc hoặc bị các bệnh kéo theo như ho. Khi ráy tai quá to có thể chèn ép và kích thích dây thần kinh phế vị, vốn có nhánh nối tai với cơ hoành, kích thích này gây ra phản xạ ho. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới một loạt bệnh khác.
Trên thực tế, rất nhiều người đã lấy ráy tai không đúng cách.
Nên lấy ráy tai một cách khoa học
Trên thực tế, rất nhiều người có thói quen ngoáy tai hằng ngày, nhất là sau khi tắm xong thậm chí có người ngoáy tai vài lần mỗi ngày. Tuy nhiên, việc làm này không hề tốt chút nào.
Lý giải cho điều này, bạn nên hiểu ráy tai như một chất sáp do ống tai ngoài tiết ra để đảm trách nhiệm vụ bắt giữ bụi bặm, vi khuẩn, thậm chí là các côn trùng nhỏ... khi chúng xâm nhập vào trong ống tai. Qua cử động khi nhai của xương hàm dưới thì các lông trong ống tai sẽ chuyển động nhẹ nhàng theo hướng từ trong ra ngoài và đẩy khối sáp này ra ngoài gần lỗ tai. Tại đây, dưới tác động của không khí, ráy tai bị khô đi, bong ra khỏi tai và rơi ra ngoài mà không cần chúng ta tác động đến.
Như vậy, bình thường chúng ta không nên ngoáy tai hằng ngày vì sẽ làm mất đi một yếu tố bảo vệ tự nhiên cho tai khỏi bụi bặm và nhiễm trùng. Hoặc chỉ nên ngoáy tai nhẹ nhàng tối đa 2-3 lần mỗi tháng.
Thế nhưng, quá trình trên đôi khi không diễn tiến êm thấm như vậy. Một số người tiết ra sáp tai quá nhiều dẫn tới nút ráy tai nên phải được lấy sạch.
Các chuyên gia tai mũi họng đều khuyến cáo không nên dùng que gòn, tăm bông  vì sẽ nén chặt nút ráy tai hơn và đẩy nó vào sâu hơn cũng như không tự “đào bới” bằng cây móc tai bằng sắt hay inox, chìa khóa hay nắp bút, que tăm... vì nguy cơ gây tổn thương da ống tai hoặc làm thủng màng nhĩ rất cao.
Thay vào đó nên nhỏ vào tai vài giọt dầu thực vật, oxy già hoặc dầu tắm trẻ em... để ráy tai trở nên lỏng lẻo hơn và tự rơi ra ngoài.
Hoặc có thể dùng vòi tắm hay bơm tiêm xịt nước ấm vào trong tai để ráy tai mềm nhão ra, lưu ý là với áp lực rất nhẹ để không làm vỡ màng nhĩ, sau đó khi nghiêng tai xuống thì dòng nước chảy ra sẽ lôi ráy tai đi theo.
Nếu đã làm hết các cách nói trên mà vẫn không làm sạch được ráy tai thì nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng, họ sẽ dùng các dụng cụ lấy dị vật phối hợp với máy hút y tế lấy sạch nút ráy tai một cách nhẹ nhàng và an toàn.
Đối với những người không thể từ bỏ thói quen lấy ráy tai sau khi cắt tóc, gội đầu ngoài hàng nên tự sắm cho mình một bộ dụng cụ riêng để đảm bảo vệ sinh. Nên dặn nhân viên thao tác nhẹ nhàng. Nếu gặp nút ráy tai khó lấy thì không cố sức bới móc sẽ dễ gây tổn thương cho tai, mà nên đến phòng khám tai mũi họng để được giải quyết.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Văn Thành, chuyên gia Tai Mũi Họng cho biết: “Ở mọi lứa tuổi, chúng ta không nên tự ý ngoáy tai, đặc biệt người lớn không nên để trẻ em bắt chước vì tai của trẻ mỏng manh dễ bị tổn thương. Ngoáy tai là sự lạm dụng quá đáng, là thói quen không tốt gây ứ đọng chất bẩn, tổn thương và viêm nhiễm ống tai, có thể gây thủng màng nhĩ lâu dần thành điếc…”.
Lazy
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Liên tục tranh ngôi, sao Việt nào hiện sở hữu vòng eo nhỏ nhất showbiz Việt