Khi bị tật khúc xạ, việc luyện tập và kết hợp dinh dưỡng có thể khỏi bệnh như nhiều người đang nghĩ?

2018-01-17 06:45
- Hiệp Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ đã tuyên bố trong một báo cáo chính thức năm 2013 rằng, các phương pháp tự nhiên, không chính thống… không thể điều trị dứt điểm các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị hay các vấn đề thị lực do bệnh lý khác về mắt.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến câu chuyện của chị Sang (Hà Nội) tá hỏa khi phát hiện con bị loạn thị 2 độ sau một thời gian dùng điện thoại, iPad và xem tivi. Để giải đáp những thắc mắc của độc giả này, chúng tôi đã nhờ tới sự tư vấn của Ths - BS Phạm Thị Hằng (Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND).

Hiện, con tôi có mắt bị loạn thị trên 2 độ, đang tính cho bé tập mắt chuyên sâu. Xin bác sĩ cho biết có kết quả không và cách thức tập như thế nào? Trong khi tập luyện gia đình sẽ kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý như thế nào. Liệu mắt có thể trở lại bình thường không?

Ths - BS Phạm Thị Hằng: Tật loạn thị là do công suất giác mạc ở 2 kinh tuyến không đều nhau, phần lớn do bẩm sinh hoặc cấu tạo mi mắt như mắt một mí, sụp mi. Tật khúc xạ, trong đó có loạn thị chỉ có thể điều trị triệt để bằng các phương pháp phẫu thuật Laser như ReLEx SMILE, Femto-Lasik… khi trẻ trên 18 tuổi hoặc có độ khúc xạ ổn định (Trong vòng 06 tháng không tăng quá 0.5 Diop).

Việc tập luyện, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý chỉ là phương pháp hỗ trợ trong điều trị tật khúc xạ. Quan trọng nhất vẫn là bệnh nhân được chỉnh một cặp kính đúng số để hạn chế tối đa việc tăng độ loạn. 

Trên thế giới có nhiều phương pháp được nghiên cứu và áp dụng với mục đích điều trị tật khúc xạ (cận, loạn thị) tự nhiên như yoga, bấm huyệt, đắp thuốc, đeo kính lỗ... tuy nhiên chưa có minh chứng khoa học có quy mô và đáng tin cậy nào nhận định rằng bệnh nhân có thể đạt thị thực 10/10 trở lại sau những phương pháp này.

Hiệp Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ đã tuyên bố trong một báo cáo chính thức năm 2013 rằng, các phương pháp tự nhiên, không chính thống… không thể điều trị dứt điểm các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị hay các vấn đề thị lực do bệnh lý khác về mắt.

Về một số trường hợp đã khỏi cận thị sau khi bấm huyệt, xoa bóp... có thể nói những trường hợp đó thường rơi vào số bị “cận thị giả”. Ví dụ, người bệnh phải làm việc liên tục hàng tuần với máy tính, những em bé sắp tới mùa thi phải học với cường độ cao dễ gây ra tình trạng giả cận thị. Tức là, tại một thời điểm nhất thời mắt phải điều tiết liên tục nên tầm nhìn thị lực giảm. Nhưng nếu để mắt được nghỉ ngơi, thị lực có thể tự trở lại bình thường.

loạn thị

Với một trẻ bị loạn thị, theo bác sĩ nên chú ý gì khi cho trẻ học, xem tivi và lối sinh hoạt để không bị tăng độ?

Ths - BS Phạm Thị Hằng: Với người mắc tật khúc xạ, khi làm việc phải tập trung cao độ thì cần đeo kính. Bên cạnh đó, sau mỗi 45 phút làm việc thì cần để mắt nghỉ ngời từ 5 đến 10 phút bằng cách nhìn ra xa. Thời gian vui chơi ngoài trời có thể bỏ kính để mắt được thư giãn. Bạn cũng nên chú ý về tư thế học, ánh sáng,  tránh làm việc căng thẳng, tránh đọc chữ nhỏ, hạn chế thời gian chơi các thiết bị điện tử dưới 30 phút mỗi ngày. Hiện tại, ở tuổi của con chỉ có biện pháp đeo kính gọng là phù hợp. Bạn nên cho con đeo kính đúng số và khám mắt định kỳ 3 tháng một lần.

Nhiều bà mẹ cho rằng không nên đeo kính cho trẻ thường xuyên, xin bác sĩ cho biết với con tôi bị loạn 2 độ thì có nên đeo kính thường xuyên?

Ths - BS Phạm Thị Hằng: Một số bệnh nhân khi bác sĩ chỉ định phải đeo kính. Nhưng khi đeo thấy bất tiện và lo sợ phụ thuộc vào kính đã bỏ ra đã tự ý bỏ kính và không đeo thường xuyên. Lúc này mắt sẽ phải điều tiết làm việc quá mức, lâu dần sẽ gây ra tình trạng tăng độ, mắc một số bệnh lý về mắc thậm chí là nhược thị.

Quan điểm đeo kính sẽ phụ thuộc vào kính, tăng số… là không đúng. Khi mắc phải tật khúc xạ đeo kính đúng số rất quan trọng giúp cho mắt không phải điều tiết. Đặc biệt, đối với bệnh nhân cận thị kèo theo loạn thị từ 2 đi ốp trở lên phải đeo kính thường xuyên sẽ để giúp mắt dễ chịu hạn chế phải điều tiết và ít bị tăng số.

Nguyên nhân dẫn đến loạn thị có thể do yếu tố di truyền, vậy, nếu bố mẹ bị loạn thị, thì con cần phải làm gì?

Ths - BS Phạm Thị Hằng: Nếu trong gia đình, bố mẹ đều có tật khúc xạ như cận, loạn thị, thì trẻ sẽ nằm trong nhóm nguy cơ mắc tật khúc xạ do di truyền. Bởi vậy, các bậc phụ huynh lưu ý, nên đưa trẻ đến các trung tâm nhãn khoa uy tín để kiểm tra thị lực trung bình 3 – 6 tháng/lần để phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ.

Xin cảm ơn bác sĩ đã trả lời phỏng vấn Emdep.vn

Đông Ngân 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 cung hoàng đạo giỏi chiến tranh lạnh nhất, một khi đã tức giận thì rất hiếm khi làm hòa