Căn bệnh tiến triển âm thầm, trẻ có thể mắc, phụ huynh chớ chủ quan trong tiết giao mùa

2017-03-20 06:50
- Nếu thấy con xuất hiện các đốm đỏ xuất huyết dưới da hay bị chảy máu chân răng thường xuyên thì các bậc phụ huynh nên cảnh giác với bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

Vào những tháng đầu năm 2017, con trai đầu của chị Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) năm nay lên 5 tuổi bị nhiễm virus cúm nên ốm nặng 1 tuần liền. Sau khi chữa khỏi bệnh, cháu bé lại có dấu hiệu chảy máu chân răng, trên da xuất hiện những đốm đỏ dạng chấm nhỏ như phát ban, một số nơi trên cơ thể cũng xuất hiện những mảng như bị bầm tím dưới da. Vì con không quấy khóc hay sốt cao nên chị Thịnh chủ quan, cho rằng đây là ảnh hưởng của bệnh cũ nên không đưa con đi khám.

Cho đến khi thấy con có dấu hiệu ra máu nhiều hơn, thậm chí chảy cả máu mũi, chị Thịnh mới tất tả đưa con đi khám ở bệnh viện thì được chẩn đoán cháu bé bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, xuất huyết máu do giảm số lượng tiểu cầu. Việc chảy máu ở răng lợi, phát ban là đang trong giai đoạn khởi phát bệnh, nếu để lâu không chữa trị có thể dẫn đến nguy cơ xuất huyết hộp sọ, khả năng tử vong cao.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo (Phó trưởng khoa H4, BV Huyết học và Truyền máu TƯ) cho biết, hiện tượng suy giảm số lượng tiểu cầu là triệu chứng của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát), đây là căn bệnh bất cứ ai cũng có thể bị.

"Nguyên nhân của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thường không rõ ràng, đây là bệnh lý hệ miễn dịch của cơ thể tự phá hủy tiểu cầu vì cho rằng tiểu cầu là vật thể lạ ngoài cơ thể. Mặc dù căn bệnh này bất cứ ai cũng có thể bị nhưng thực tế là nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam giới, lứa tuổi trẻ em dưới 15 tuổi cũng dễ mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu khi bị nhiễm các loại virus như sởi, quai bị hay viêm đường hô hấp", bác sĩ nhấn mạnh.

 Tiểu cầu là một trong 3 loại tế bào chính trong máu sau hồng cầu và bạch cầu, chúng có chức năng trong việc làm đông, cầm máu tại các vị trí chảy máu trong cơ thể. Nếu cơ thể thiếu hay giảm lượng tiểu cầu nghiêm trọng sẽ dẫn đến quá trình đông cầm máu không hiệu quả, người bệnh sẽ bị mất máu nhiều, đặc biệt là tại não. 

Mẹ cảnh giác con bị xuất huyết giảm tiểu cầu trong mùa Đông - Xuân

Nói rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Thảo cho biết, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch khác với những nhóm bệnh tăng phá hủy tiểu cầu ở ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Người bệnh cần phân biệt các nhóm bệnh này với nhau để tìm ra hướng điều trị phù hợp.

"Khi bệnh nhân có dấu hiệu giảm tiểu cầu, chúng tôi cần làm các xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân giảm tiểu cầu là do đâu, bởi nguyên nhân gây nên tình trạng giảm tiểu cầu rất nhiều, có thể là do bệnh tủy xương hoặc do có một số căn bệnh như nhiễm khuẩn huyết hoặc có các khối u máu lớn dẫn đến giảm tiểu cầu... Nếu không thuộc những nguyên nhân trên thì bệnh nhân mắc bệnh lý suy giảm tiểu cầu miễn dịch".

Bác sĩ Thảo cũng cho biết, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thường gặp trong xã hội hơn so với các nguyên nhân khác.

Bệnh tiến triển âm thầm

Trong khoảng thời gian Đông - Xuân, virus dịch bệnh như sởi, quai bị, viêm đường hô hấp thường phát tán mạnh, dễ lây lan bùng phát nên số lượng trẻ phát hiện mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch cũng có phần tăng lên trong khoảng thời gian này.

Biểu hiện thường gặp của bệnh là chảy máu, xuất huyết dạng chấm dưới bề mặt da hay các mảng bầm tím ở các vùng như bả vai, xương chậu... Ngoài ra, hiện tượng chảy máu thường xuất hiện ở chân răng, chảy máu mũi, đi ngoài ra phân đen, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài. Căn bệnh này nếu để nặng có thể gây chảy máu nhiều nơi trong cơ thể, khiến cơ thể mất máu, nguy hiểm nhất là xuất huyết não bất cứ lúc nào có thể gây tử vong.

"Căn bệnh này diễn tiến rất âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng như các cơn đau hay sốt cao, vậy nên người bệnh thường chủ quan. Chỉ khi xuất hiện các triệu chứng như chảy máu, hoặc bị thương đi khám tại bệnh viện thì mới phát hiện ra bệnh" - bác sĩ Thảo cho hay.

Ở trẻ nhỏ, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thường là cấp tính và dễ khỏi hơn người lớn, thường bệnh sẽ kéo dài vài tuần, thậm chí nửa năm. Còn đối với người lớn, nếu bệnh không được sớm phát hiện mà kéo dài nhiều tháng thì sẽ trở thành bệnh mãn tính, cần uống thuốc lâu dài vì tiểu cầu trong máu luôn thấp.

Bác sĩ Thảo cho biết: "Ở trẻ nhỏ khi mắc căn bệnh khả năng được chữa khỏi cao hơn nhưng cũng không nên chủ quan bởi bệnh có thể diễn biến nặng. Đối với người lớn nếu bệnh đã trở thành mãn tính thì sẽ phải uống thuốc theo liệu trình, sau một thời gian khi cơ thể ổn định có thể giảm dần liều lượng thuốc nhưng sẽ không thể ngừng hẳn, vẫn phải uống để đảm bảo lượng tiểu cầu trong máu. Nếu ngừng thuốc có thể khiến bệnh tái phát nhiều lần".

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân đã phải tiến hành cắt lách khi bệnh tái phát nhiều lần và điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

Bác sĩ Thảo cảnh báo: "Trong cơ thể, lách chính là nơi tạo nên kháng thể chống tiểu cầu và đóng vai trò chính trong bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Cắt lách tuy là phương pháp điều trị hiệu quả trong bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng sẽ chỉ được dùng khi các bệnh nhân không thể điều trị bằng thuốc. Riêng đối với trẻ em nếu chỉ định cắt lách thì phải trên 5 tuổi và đã được chẩn đoán trên 2 năm bởi độ tuổi quá nhỏ sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn cao".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 công thức đá viên đơn giản cho da căng bóng mướt mịn như em bé