"Tiểu thuyết thời trang" của ông già tóc bạc

2015-01-27 13:08
- Nếu ví sự nghiệp 60 năm của Karl Lagerfeld là một cuốn tiểu thuyết, tôi dám tin đó là cuốn tiểu thuyết có nhiều chi tiết thú vị, đáng đọc nhất của thời trang.
Chương 1: Bước ngoặt ở Paris 
Karl Lagerfeld sinh năm 1930, tại Hamburg - Đức trong một gia đình giàu có. Cậu bé Karl lớn lên trong môi trường giáo dục tốt, đời sống đủ đầy bên bạn bè đồng trang lứa. Lúc này, Karl chưa bộc lộ "dấu hiệu bất thường" với thời trang. Cho đến năm 14 tuổi, cha mẹ gửi cậu tới Paris theo học vẽ và lịch sử, mối nhân duyên với áo váy, vải vóc mới bắt đầu. Quãng thời gian học tập tại kinh đô thời trang hoa lệ là cơ hội để "thiếu gia" nước Đức tiếp xúc với nhiều thương hiệu lớn, các cửa tiệm áo quần đẹp đẽ và nhịp điệu thời trang sôi nổi. Đam mê chớm nở rồi bùng lên mạnh mẽ theo năm tháng... 
Karl chạm ngõ thời trang bằng việc tham gia cuộc thi thiết kế do Wool International tổ chức năm 1955. Với tài năng được bộc lộ, ông đã giành chiến thắng, đồng thời mở ra cho mình cơ hội làm trợ lý cho Pierre Balmain. Ở tuổi 25, Karl thể hiện sự tinh tế, tinh thần ham học hỏi và thái độ làm việc nghiêm túc. Kinh nghiệm quý báu tích lũy trong thời gian này giúp ông mạnh dạn bước những bước dài trên quãng đường sự nghiệp về sau. 
Chương 2: Thắng không kiêu, bại không nản   
Năm 1958 có ý nghĩa to lớn với Karl Lagerfeld khi ông trở thành giám đốc nghệ thuật của Maison Jean Patou - một vị trí quan trọng mà nhiều người lâu năm trong nghề mơ ước. Nhiều ý kiến cho rằng nó "là chiếc áo rộng" với người mới vào nghề như ông. Chưa nhậm chức được bao lâu, Karl cho ra đời 2 bộ sưu tập thời trang cao cấp, không may, cả hai đều không thành công như mong đợi. Thậm chí, báo giới tỏ ra lạnh nhạt với nhà thiết kế trẻ. Sự việc này khiến tâm tính Karl thay đổi. Đó là lý do ông quyết định tạm dừng việc thiết kế, dành trọn 2 năm sau đó cho những chuyến du lịch mà ông gọi là "nghiên cứu cuộc sống". 
Sau chuyến ngao du thiên hạ, Karl trở lại với tâm thế mới, nhưng quyết tâm của ông không dễ dàng được ghi nhận. Giai đoạn từ 1957 đến 1962 ghi dấu nhiều khó khăn... Làng mốt phù hoa hào nhoáng cũng kèm theo quy luật đào thải khắc nghiệt. Giữa một rừng các nhà thiết kế trẻ mọc lên như nấm sau mưa, Karl phải tìm cách tạo ra dấu ấn, chinh phục khách hàng và các ông chủ lớn. 
Năm 1963, mặt trời thực sự chiếu sáng vận mệnh của Karl Lagerfeld. Mở đầu bằng dự án thiết kế cho Roman (do Evan Richards thành lập). Hàng loạt nhân vật tiếng tăm Hollywood thời bấy giờ như "nữ hoàng mắt tím" Elizabeth Taylor, Gina Lollobrigida, Doris Duke đều là khách hàng thân thiết của Karl. Cơ hội nối tiếp cơ hội, năm 1964 Karl hợp tác thiết kế cho "ông lớn" Chloe, sau đó  được lãnh đạo hãng này tín nhiệm mời vào vị trí giám đốc sáng tạo. Năm 1972, ông bắt đầu cộng tác lâu dài với thương hiệu Fendi. Cũng trong những năm 70, Karl Lagerfeld đã bắt đầu làm việc như một nhà thiết kế trang phục cho nhiều nhà mốt lớn. Từng bước, Karl gây dựng vị thế và chỗ đứng trong giới thời trang, dành được sự nể trọng từ đồng nghiệp. Đến năm 1983, Alain Wertheimer - chủ tịch đương nhiệm của  Chanel đã đưa Karl ngồi vào vị trí giám đốc sáng tạo, đánh dấu sự gắn kết lâu dài, bền chặt và  "kỷ nguyên mới" cho Chanel. 
Chương 3: "Thầy phù thủy" đa tài 
Vài năm sau khi nắm quyền, Karl đã có thể gây dựng lại Chanel - vốn đang trên đà đi xuống có được bước phát triển vững vàng. Ông hồi sinh hình ảnh của mình và xác định lại các yếu tố phong cách được tạo ra bởi Gabrielle, cập nhật những nét mới, trong khi vẫn duy nét cổ điển vốn có. Karl kế thừa và phát huy xuất sắc những gì huyền thoại Coco Chanel để lại. Qua các mẫu thiết kế, người ta có thể thấy được tinh thần, sự sáng tạo, chất nghệ sĩ và cái tôi khác biệt chỉ có thể là Karl Lagerfeld. Thời gian đầu, nhiều người còn hồ nghi những nét mới, táo bạo, mạnh mẽ Karl thể hiện trong các bộ sưu tập sẽ làm hỏng phong cách truyền thống của Chanel, nhưng không lâu sau họ nhận ra, Karl đã làm nên "điều kỳ diệu". 
Bận rộn trong guồng quay công việc tại Chanel, tưởng như tâm sức của Karl đã dồn hết vào đấy. Nhưng không, "thầy phù thủy" cho thấy sức sáng tạo dồi dào cùng khả năng làm việc phi thường. Ông  tiếp tục triển khai nhiều dự án, nổi bật là bộ sưu tập với "tình cũ" Chloe và Fendi, dòng giày dép cho nhãn hàng Ý Hogan. Mỗi dự án mang một màu sắc riêng, không lặp lại, không nhàm chán. Điều này khiến người trong giới nể phục gọi ông với biệt danh "Tắc kè hoa thời trang".  
Trong 60 năm sự nghiệp, đến nay, Karl Lagerfeld đã đạt được rất nhiều thành tựu. Bên cạnh là giám đốc sáng tạo của Chanel, hợp tác thiết kế cho nhiều nhà mốt, Karl còn sở hữu một nhà xuất bản và nhà sách ở Paris, một bảo tàng tư nhân sưu tập đồ nội thất, đồng thời là một nhiếp ảnh gia. Số tuổi tăng dần theo năm tháng không đủ lớn để có thể vùi dập mùa xuân tươi đẹp trong tâm hồn "thầy phù thủy" tài hoa - luôn khát khao tạo nên những điều mới lạ và độc đáo. 
Hiện tại, là một trong những nhà thiết kế thời trang có uy tín nhất trên thế giới, Karl vẫn không ngừng lao động và sáng tạo với đủ dự án thiết kế: trang phục, phụ kiện, nước hoa. Mỗi lần xuất hiện, Karl lại gây chú ý với  mái tóc bạc trắng như cước, bộ vest đen lịch lãm và khí chất đặc biệt. 
Karl - người đàn ông yêu thời trang nhất thế giới... 
Pica
Ảnh: Style, Chanel
(Theo congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 con giáp hễ kết hôn là dễ có vận khí thăng hoa, tài lộc tấn tới, gánh vàng, gánh bạc về nhà