Nếu không yêu thời trang Pháp, đừng nhận mình là tín đồ thời trang

Eve Nguyễn 2015-03-11 14:46
- Ngay cả khi bạn chỉ đến Bordeaux để thưởng thức rượu vang, thì những cửa hàng thời trang cao cấp đúng chất Pháp vẫn luôn xuất hiện để phục vụ nhu cầu mặc đẹp của tất cả mọi người.
Tuần lễ thời trang Paris vừa kết thúc, và chúng ta không khỏi tiếc nhớ những ngày tháng huy hoàng nhất trong năm của kinh đô thời trang này. Nhắc đến Pháp, giờ người ta vẫn không nhắc tới tháp Eiffel hay bánh ngọt Pháp trước tiên, mà vẫn luôn là thời trang, là phái đẹp và những bộ quần áo. Dù cho trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, hình ảnh của những ngôi sao, diễn viên, thần tượng, ca sĩ Pháp chẳng đáng quan tâm bằng những ngôi sao Hollywood hay những bộ phim Hàn Quốc, nhưng muốn mặc đẹp, người ta vẫn nhìn vào người Pháp như thể đó là một cảnh giới không thể vượt qua. 
Nước Pháp chắc chắn là một trong những quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang, cùng với Ý, Anh Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Riêng đối với Pháp, thời trang đã được coi là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và xã hội của đất nước này, và thẩm mỹ của người Pháp vẫn được coi là một chuẩn mực trong nhiều thời đại. Pháp không chỉ là quê hương của những nhà thiết kế (NTK) thời trang hàng đầu như Chanel, Pierre Cardin, Celine, Chloe, Dior, Givenchy, Jean Paul Gaultier, Hermes, Lanvin, Rochas, Louis Vuitton, Yves Saint Laurent, mà còn là cái nôi của dòng thời trang cao cấp – Haute couture. Đồng hành với sự phát triển của các ngành nghệ thuật, hội họa, các thiết kế thời trang của Pháp đã trở nên thịnh hành khắp thế giới từ thế kỷ 15 tới thế kỷ 20. Ngành công nghiệp thời trang đã trở thành một lĩnh vực xuất khẩu văn hóa quan trọng của Pháp từ thế kỷ 17.
Paris là thủ đô của Pháp, nhưng cũng được coi là thủ phủ của thời trang toàn cầu. Trụ sở của những thương hiệu thời trang hàng đầu nước Pháp như Chanel, LV, Dior, Lacroix đều được đặt tại đây. Không chỉ thế, bạn cũng có thể tìm thấy các cửa hiệu của các thương hiệu thời trang đến từ những quốc gia khác tại Paris, như Valentino, Gucci, Loewe, Escada, Bottega Veneta, Burberry hay thậm chí cả Abercrombie & Fitch. 
Có người cho rằng, chính sự hoa lệ của Paris khiến nơi đây được coi là kinh đô thời trang thế giới, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Nếu nói về sự phồn hoa, có lẽ Milan hay New York không thua kém Paris. Nhưng chắc chắn những thành phố ấy đều xếp sau Paris về chiều sâu lịch sử thời trang. Chỉ nói riêng về dòng thời trang cao cấp Haute couture, khi thế giới biết về nó từ thế kỷ 18, thì người Pháp đã đắm chìm trong xu hướng này từ tận 2 thế kỷ trước đó. Từ thế kỷ 16, Anne Boleyn đã trở nên nổi tiếng khi mặc chiếc áo trùm đầu kiểu Pháp, khoe ra mái tóc bồng bềnh và gợi cảm. Lúc ấy, xu hướng thời trang Pháp đã bắt đầu khiến thế giới ngưỡng mộ về tinh thần tự do thiên hướng gợi mở những nhục cảm.
Trong suốt một thời gian dài, dường như không có khái niệm “Nhà thiết kế thời trang”, bởi đơn giản là giới quý tộc thường thích chỉ đạo cho thợ may biết mình muốn mặc quần áo như thế nào. Đến tận thế kỷ 19, một thợ may người Anh đã đến Paris để thay đổi quan điểm đó, là người đầu tiên tạo ra các thiết kế từ ý tưởng của riêng mình, ghi tên mình lên nhãn mác quần áo, mặc lên các người mẫu – thời đó gọi là mannequin sống – trình diễn cho khách hàng để họ duyệt và góp ý. Người đó chính là Charles Worth – cha đẻ của dòng thời trang Haute couture hiện đại. Tuy rằng người khai sinh ra xu hướng này là người Anh, tuy nhiên, chính thay đổi này đã mặc định rằng, bất cứ nhà thiết kế thời trang nào muốn thành công, thì đều phải đến lập nghiệp ở Paris. Từ đó đến nay, Paris trở thành quê hương chính của những buổi trình diễn thời trang lớn. Các tạp chí thời trang đều tìm cách đặt trụ sở ở Paris, hoặc tìm đến Paris để săn đón những tin tức nóng hổi nhất. Đối với phụ nữ phương Tây nói riêng và phụ nữ toàn cầu nói chung, Paris là nơi quyết định một trào lưu được sinh ra và kết thúc như thế nào, và lúc nào, trong bao lâu.
London, New York và Milan đều tuyên bố rằng họ là những trung tâm thời trang có ảnh hưởng nhất thế giới. Đặc biệt là trong Thế Chiến II, New York và London đã chiếm được thế thượng phong vì Paris bị quân Đức chiếm đóng. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, các NTK đều tìm đường trở về Paris, và dòng thời trang cao cấp kiểu Pháp lại tìm được vị thế độc tôn của mình. Giữa thế kỷ 20, trong khi Chanel vẫn là cái tên đầy quyền lực, thì lại thêm một NTK khác tạo thêm thế vững mạnh cho thời trang Paris – đó chính là Dior, người được coi là một trong những NTK có tầm ảnh hưởng mạnh nhất thời kỳ đó. Cùng với sự tham gia của Yves Saint Laurent và nhiều NTK khác, Paris nhanh chóng lấy lại được ngôi vương trên bản đồ thời trang thế giới. Đến tận ngày nay, uy quyền này của Paris vẫn không hề suy giảm. Sự thực là, theo thống kê, nơi đây vẫn là điểm đến được nhiều NTK lựa chọn nhất để học tập, nâng cao tay nghề và giới thiệu các sản phẩm của mình, nhiều hơn London, New York và Milan. 
Không chỉ trong lĩnh vực thiết kế, Paris tất nhiên còn cuốn hút các tín đồ thời trang nhờ “ma trận” mua sắm của mình. Khu phố mua sắm nổi tiếng nhất ở Paris được gọi là “Tam giác vàng” thời trang, nằm giữa Đại lộ Marceau, đại lộ Champs-Elysees nổi tiếng và đại lộ Montaigne. Đây là khu vực tập trung nhiều nhất các đại bản doanh của các thương hiệu thời trang, trang sức và mỹ phẩm hàng đầu thế giới. Với những cửa hiệu đã có mặt ở đây từ tận thế kỷ 19. Dù bạn có chuẩn bị sẵn một tài khoản ngân hàng khổng lồ khi đến Paris, bạn vẫn rất có nguy cơ tiêu hết sạch tiền tại khu “Tam giác vàng” này, với bất cứ thương hiệu thời trang nào mà bạn nghĩ đến đều có mặt tại đây: LV, Givenchy, Rochas, Dior, Celine, Chanel, DKNY, Hermes v.v...
Và có lẽ, thế giới cũng ngầm công nhận Paris là kinh đô thời trang tối thượng của thế giới, khi nơi đây luôn là địa điểm kết màn cho các Tháng Thời trang. Cứ mỗi mùa Xuân-Hè và Thu-Đông, lần lượt New York, London và Milan tổ chức Tuần lễ thời trang của mình, và Paris sẽ tổ chức cuối cùng, có thể coi là “vedette của các vedette”. Tuần lễ thời trang Paris luôn được mong chờ nhất, bao gồm cả các tuần lễ thời trang ứng dụng, thời trang cao cấp và thời trang nam giới. Tuần lễ thời trang Paris được tổ chức tại trung tâm Carrousel du Louvre, và thời gian cụ thể do Liên đoàn Thời trang Pháp ấn định. 
 
Ngoài Paris, những thành phố lớn khác như Lyon, Marseille cũng là niềm tự hào của thời trang Pháp. Lyon là thành phố lớn thứ hai tại Pháp, và là một trong những thành phố có nền công nghiệp thời trang phát triển tiềm năng nhất tại Pháp. Từ thế kỷ 17, Lyon đã được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp dệt lụa của thế giới, có nền văn hóa bị ảnh hưởng mạnh bởi thời trang. Đây cũng là nơi tiêu thụ hàng thời trang xa xỉ nhiều thứ hai tại Pháp, với những khu phố rực rỡ ánh đèn từ các cửa hiệu thời trang cao cấp nhất.
Nếu có dịp đến Lyon, hãy ghé thăm quận Presqu'île – khu vực thượng lưu, sành điệu nhất thành phố, với rất nhiều các trung tâm thương mại, những con phố thời trang nhộn nhịp, và đại lộ Rue de la République nơi đây cũng được so sánh với đại lộ Champs-Elysées nổi tiếng tại Paris. Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng lạc bước trong khu Rue Édouard-Herriot, đại lộ Cordeliers Jacobines hay Place Bellecour cùng nhiều khu phố mua sắm xa hoa khác, bị “bao vây” bởi những cửa tiệm thanh lịch của các thương hiệu Armani, Dior, Prada, Dolce & Gabbana, Calvin Klein, MaxMara, Armand Ventilo, Sonia Rykiel, Cartier v.v...
Đặc biệt, khu phố La Croix-Rousse là nơi còn ghi đậm dấu ấn của ngành công nghiệp dệt lụa, và là khu vực được chính phủ hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của các NTK mới vào nghề. Nơi đây cũng là nơi đặt trụ sở của những thương hiệu thời trang quốc tế như Korloff, Millesia, trang sức Augis, một số cái tên nổi tiếng trong nước như Nicholas Fafiotte, Nathalie Chaize  và Garbis Devar.
 
Marseille là thành phố lớn thứ ba của Pháp, và là một thành phố cảng quan trọng nối liền châu Âu và khu vực biển Địa Trung Hải. Chính vì vị trí đặc biệt này, Marseille là nơi tập trung những chuyến xuất nhập khẩu sản phẩm thời trang, là nơi giao thoa giữa Pháp và những nền văn hóa khác. Cũng nhờ vị trí địa lý đặc biệt, Marseille cũng là nơi nuôi dưỡng những thương hiệu thời trang Pháp trong thời kỳ mới thành lập. 
Ở Marseille cũng có một đại lộ được so sánh với đại lộ Champs Elysées của Paris, đó là đại lộ Canebière. Những con phố khác như Paradis, Grignan cũng là tâm điểm của khách du lịch tới thành phố, với những cửa hàng thời trang hoa lệ của các thương hiệu lớn như LV, Hermes, YSL, Chopard, Kenzo, Tara Jarmon và Gérard Darel. Tại Marseille, nhiều NTK trẻ cũng được chính phủ hỗ trợ và phát triển, với những thương hiệu có tiếng tăm trong nội địa, như Diable Noir, Casa Blanca, v,v,,,
 
Và tất nhiên, những tâm điểm thời trang của Pháp sẽ không chỉ dừng lại ở những cái tên ấy. Bạn có thể được đắm chìm trong thời trang và phong cách Pháp ở bất cứ khu vực nào trên bản đồ. Ở phía Bắc nước Pháp, bạn có thể tìm thấy những thương hiệu thời trang xa xỉ nhất ngay tại khu vực ngoại thành của thành phố Lille. Những địa danh nổi tiếng trên phim ảnh như Cannes, Nice, St.Tropez hay Montecarlo tất nhiên cũng không thể thiếu đi sự xuất hiện của những trung tâm mua sắm thời trang khi luôn tiếp đón những ngôi sao, những vị khách quý và khách du lịch từ bốn phương đến đây mỗi kỳ Liên hoan phim và các Lễ trao giải nghệ thuật. Ngay cả khi bạn chỉ đến Bordeaux để thưởng thức rượu vang, đến các thành phố như Toulouse, Rennes, Nantes hay Strasbourg để ngắm cảnh và tham quan các công trình kiến trúc, thì những cửa hàng thời trang cao cấp đúng chất Pháp vẫn luôn xuất hiện để phục vụ nhu cầu mặc đẹp của tất cả mọi người. 

 

Eve Nguyễn

(Tổng hợp)

(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đoán độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời của 12 con giáp