"Áo hỏng khóa không? Mình sửa cho"

Pica 2014-11-14 21:01
- Dính nói, trong lúc nhìn lướt chiếc áo khoác thêu hoa của tôi bằng đôi mắt của người thợ quen nghề. Có lẽ Dính không biết, nét cười thân thiện trên gương mặt cô khi ấy được nắng nhuộm hồng, đẹp tựa cánh đào Xuân.
Tìm về... 

Tôi đến chợ Mèo Vạc khi nắng đã nhuộm vàng những nếp nhà Mông. Lúc này, chợ bò bản sắc chợ Mèo Vạc đã tan, chẳng còn bóng dáng người mua kẻ bán; Khu hàng ăn vắng vẻ, một vài quán chắc buổi sớm đắt hàng nên bát đũa đã cất nép xong xuôi, đôi ghế mộc nằm ngửa, áp thân lên mặt bàn gỗ, đôi chân khẳng khiu giơ thẳng như đang tận hưởng giấc trưa êm. 

Tôi qua dãy hàng rau vòng sang hông chợ, men theo trí nhớ tìm về quán rượu ngô của cụ bà người Mông. Một mùa Xuân xa xôi, có cô gái xuôi co ro trong manh áo len mỏng, đã say men rượu cay, đã ngất ngây khói thuốc lào trong góc quán đơn sơ chỉ đôi chiếc bát cũ, vài ba chén sứ và bình rượu ngô. Trong ánh mắt mơ màng của người ngà ngà hơi rượu, tôi tưởng như làn khói xám đặc nhả ra từ điếu cày, khẽ khàng ôm lấy lưng nhỏ của cụ như những đám mây mù. Cụ bao tuổi tôi chẳng rõ, nhưng so với nội tôi tuổi gần 80 thì già hơn. Quán đông, khách nào vào cụ cũng uống cùng một chén, vậy mà chẳng thấy say, miệng vẫn nhẩm tiền, tay vẫn chắt rượu thoăn thoắt. Cụ bảo rượu ngô tự nấu, "mày - uống - đi". Lời nói tuy rời rạc, lẫn vào tiếng lạch cạch của bát rượu các anh chúc nhau nghe chẳng rõ, nhưng tôi vẫn đón được trong đó những âm hiền hòa. Tàn chợ, tôi mang đôi má ửng hồng, hơi thở ấm suốt chặng đường về lại thành phố Hà Giang. Sau này, dù có dịp nhấp môi rượu ngô thêm nhiều lần nữa, nhưng cảm giác - vị giác không thể nào "say" lại như xưa. 

Chuyện phố thợ may 

Như tôi linh cảm, quán rượu nhỏ khuất bóng bên hông chợ nay chỉ còn ô đất trống, đá lô nhô, cỏ mọc ơ hờ. Quán nhỏ, chén sứ vân hoa cũ với cụ bà mặc váy mông xanh đã ở nơi nào đấy... 

Buồn lòng, tôi men theo lối cầu thang lên tầng 2 của chợ. Chợ Mèo Vạc kém tiếng Đồng Văn, nhưng rộng và mang màu thị thành hơn. Chợ hai tầng xây kiên cố, tầng một là hoa quả và các quầy trang phục kiểu người Kinh, tầng hai là không gian bày bán trang phục Mông truyền thống. Lần trước chơi chợ Mèo Vạc, tôi vì mải mê xem bà con bán bò, ngã giá, sau lại ngất ngây trong quán rượu ngô nên không khám phá hết chợ. Dịp này lên tới tầng 2 thì thực ngỡ ngàng. Rất nhiều váy áo Mông sắc màu bán nơi hiên chợ, được che nắng mưa bởi mái lợp tôn. Sạp hàng to thì rộng chừng 3 mét, sạp hàng nhỏ thì hơn mét, tôi lách mình đi dạo một vòng thấy có đến hơn 30 sạp nằm cạnh nhau, tạo nên bức tranh sắc màu thích mắt.

Các chị, các cô chọn mua áo ở chợ Mèo Vạc.
 
Đã qua trưa nhưng vẫn đông các chị, các cô nán lại chọn mua váy áo, sạp nào sạp nấy chật người. Các em gái nhỏ theo mẹ đi chợ cũng được tự chọn váy nhỏ, áo nhỏ cho mình. Từ góc trái của chợ, tôi lách người giữa lối đi hẹp lần ra "phố" thợ may. Gọi là phố vì có tới 12 máy với chừng ấy thợ, không may quần áo mới mà chuyên sửa đồ cũ. Nào áo ai sứt chỉ đường tà, muốn váy dài thành ngắn, nào áo ai khóa hỏng... đến đây đều được đáp ứng tận tình. Tôi thích "phố" này, phần vì quen thuộc với công việc bao năm qua của mẹ tôi, phần vì tò mò với nghề "se chỉ luồn kim" nơi cao nguyên đá. 

Thợ may ngồi thành từng nhóm vài ba máy đặt cạnh nhau, tiện cho người cần sửa đồ "trình bày" và đứng đợi. Lạ là thợ may đa phần là nam giới, thợ may nữ chỉ đôi ba người. Cứ ngỡ đôi tay quen cầm cuốc, gieo hạt; đôi tay vỡ từng tảng đá đen sắc nhọn làm bờ rào đá sẽ thô lắm, nào ngờ tôi đứng trông, thấy bàn tay cắt gấu, luồn kim khéo léo chẳng kém gì các anh thợ "cứng" trong tiệm may ở Hà Nội. 

Thợ may ở chợ Mèo Vạc chủ yếu là thợ nam. 

Anh thợ đang sửa Sez cho khách hàng. 

Bé gái cùng mẹ đi sửa váy mới mua. 

Rời khỏi dãy ngồi của thợ may nam, tôi lần theo hướng nắng đến với góc ngồi của cô thợ may đang cặm cụi chạy máy, đôi má hây hây ửng hồng trong làn nắng trong trẻo của mùa thu. Cô mặc áo trắng váy nhung, gương mặt thanh tú, đôi mắt không to nhưng sáng, viền môi rõ nét. Thấy tôi đi lại, cô ngẩng đầu, khẽ cau mày một thoáng rồi cười. Hỏi ra, tôi biết cô tên Dính, 19 tuổi, nhà ở xã Sủng Trà, cách chợ Mèo Vạc một quãng không xa. "Áo hỏng khóa không? Mình sửa cho", Dính nói, trong lúc nhìn lướt chiếc áo khoác thêu hoa trên người tôi. Tôi lắc đầu, Dính lại cười. Lần này là nụ cười tươi rạng rỡ. Trong lúc đôi tay với những ngón dài rám nắng vẫn cần mẫn tháo chỉ, lật gấu chiếc quần hoa, mắt Dính chốc chốc lại nhìn sang tôi. Dính đoán tôi chưa có chồng, rồi tự nói mình không thích lấy chồng sớm, không lấy chồng cũng được. Suy nghĩ tân tiến như thế, Dính là cô gái Mông đầu tiên tôi thấy. 

Dính ít tuổi nhất phố thợ may ở đây, nhưng không vì thế mà ít khách. Chen giữa câu chuyện của chúng tôi là năm, bảy người tới sửa đồ. Có anh nhờ đơm lại cúc áo, có chị muốn máy lại chun váy... Dính làm đều tay. Cô bảo quãng giờ từ trưa sang đầu giờ chiều thường đông khách nhất, lúc này các cô các chị đã sắm đủ đồ cần thiết cho gia đình, có thể nán lâu bên sạp váy áo, chọn mua rồi đem sửa cho ưng ý.

Mỗi phiên chợ, Dính nộp 4.000 đồng tiền chỗ ngồi, làm từ sáng tinh mơ tới đầu giờ chiều tàn chợ, cô thu về hơn trăm nghìn đồng. Đồ sửa đơn giản như thay chun, chạy lại đường may tuột chỉ, giá 5.000 đồng, thay khóa quần - khóa áo thì tùy vào loại khóa mà lấy 10.000 - 15.000 đồng. Thợ sửa lấy giá chung, nên khách vui vẻ trả tiền mà không kỳ kèo thêm. Tôi hỏi Dính có định mở tiệm may đồ mới, cô nhìn tôi: "Thích, nhưng mình chỉ thế này thôi". 

Dính tên đầy đủ là Giàng Thị Dính, cô gái Mông 19 tuổi nhưng "chưa thích lấy chồng, không lấy chồng cũng được". 

Góc ngồi của cô đẹp mơ màng trong vạt nắng cuối Thu.

Món hàng sửa đơn giản thế này, Dính chỉ lấy khách 5.000 đồng. 

Ngồi phía đối diện Dính là chị Vừ Thị Cáy, thợ may kỳ cựu có tuổi đời và tuổi nghề gần gấp đôi Dính. Khách của Dính đa phần thiếu nữ, thanh niên, thì khách của chị lại là các cô có chồng. Thoạt đầu tôi không dám lại gần trò chuyện với chị, cứ ngỡ chị khó tính vì vẻ cặm cụi và cái nhíu mày rất sâu mỗi lần đứt chỉ. Đến khi chị cười tủm rồi hỏi bằng tiếng phổ thông lơ lớ: "Ở đâu đến đấy", tôi mới cảm được nét hồn hậu ẩn giấu sau vẻ ngoài hơi "dữ" ấy. Chị kể biết may từ lâu, nhưng hơn 3 năm nay mới mua chỗ ở chợ phiên Mèo Vạc. Ngày tốt khách chị thu đến 200.000 đồng, ngày xấu có khi chẳng được trăm nghìn đồng. "Gần tết, bà con mua nhiều quần áo thì mình đông khách, chợ phiên bình thường thì hơn chục khách thôi". Máy may của chị Cáy là máy may Tàu, mua lại của người quen với giá 4 triệu đồng, "không hỏng đâu, chạy tốt lắm". Chị bảo ở đây chẳng mấy ai mua máy mới, vì đắt tiền và "chắc gì đã đúng máy tốt".

Khách đứng đợi chị Cáy thay khóa áo khoác. 

Tôi nép vào một góc ăn bánh tam giác mạch lót dạ, vừa ngắm phố thợ may vẫn nhộn nhịp trong buổi chợ tàn. Trước bàn máy của chị Cáy và Dính chật khách đứng đợi, thế nhưng ở một góc khác, cũng có anh thợ... ngáp dài. Nhiều người nghĩ hàng sửa đơn giản hơn hàng may mới, nhưng có làm nghề, có tiếp xúc mới biết việc tháo ra lắp vào, chắp chỗ nọ vá chỗ kia phức tạp thế nào, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và khéo léo. 

Đợi áo... 

Thợ thường sửa hàng ngay cho khách chứ không mang về nhà làm. 

Cũng có khi ế ẩm... 

Và ngáp dài vì vắng khách thế này đây. 

Tôi ra về khi chị Cáy và Dính còn đông khách, nhưng chợ thì thưa người. Bước chân xuống đường Hạnh Phúc - con đường nổi tiếng của thị trấn Mèo Vạc, tôi gọi điện khoe mẹ: "Chợ Mèo Vạc có nhiều 'đồng nghiệp' của mẹ sửa váy áo rất hay...". 

Bài, ảnh: Pica
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 con giáp luôn hết lòng vì bạn bè