Từ vụ cháu bé bị tôn cứa cổ: Cần cấm 'hung thần' đường phố

2016-09-24 08:51
- Nhiều người nêu quan điểm cần cấm tình trạng chở cồng kềnh trên các xe thô sơ, xích lô, xe máy.

Câu chuyện cháu bé đi xe đạp bị tôn cứa vào cổ khiến mạng xã hội "dậy sóng" trong những giờ qua. Theo một cư dân mạng đăng tải bức ảnh, chiều 23/9, khi xích lô chở tấm tôn đang lưu thông trên đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nôi), cháu bé đi xe đạp từ phía sau lao đến. Đạp xe nhanh thêm mải chơi, cháu bé lao thẳng vào phần mái tôn sau xe xích lô.

Cú va chạm khiến cho cháu bé bị tôn cứa vào cổ gây chảy nhiều máu. Cháu bé được đưa đi cấp cứu ở bệnh viên Bạch Mai nhưng vết thương quá nặng nên tử vong lúc 15h30' chiều 23/9/2016.

Nỗi lo từ những "hung thần"

Từ sự việc thương tâm này, nhiều người đã nêu ý kiến nên cấm những chiếc xe xích lô, xe máy chở cồng kềnh những tấm tôn, sắt thép, kính dài hàng mét trên đường. Bởi việc chở cồng kềnh đã gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi di chuyển, chiếm lòng đường của những phương tiện khác và gây mối nguy hiểm tiềm tàng như va quệt. Thậm chí, không ngoại trừ có thể tái diễn câu chuyện như trường hợp đã nói ở trên.

Anh Toàn (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, anh từng chứng kiến xích lô, xe máy nhỏ chở các tấm tôn dài cồng kềnh trên phố. Mặc dù phố xá đông đúc, người chở vẫn luồn lách để đến được địa điểm đã hẹn trước. Tuy nhiên, điều anh Toàn lo lắng là kính, tôn, sắt dài không hề được che chắn. 

"Đôi khi tôi phải tránh xa hoặc đi chậm lại cho những chiếc xe như vậy đi trước rồi mới dám tiến lên. Nhìn cả tấm tôn dài, người đi trước chỉ cần dừng lại hay người sau vội vã là va vào tôn. Những góc cạnh sắc nhọn có thể gây thương tích bất cứ lúc nào", anh Toàn nói.

Cháu bé bị tôn cứa cổ: Cần cấm 'hung thần' đường phố

Hiện trường sự việc xảy ra chiều 23/9

Không chỉ có anh Toàn mà chị Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) từng hốt hoảng khi nhìn thấy hình ảnh một nam thanh niên chở một người phía sau vác cả thanh sắt dài ngênh ngang di chuyển trên đường. "Phần đầu và phần đuôi không hề được bọc kín lại, khi di chuyển như vậy thanh sắt có thể va vào người đi đường. Thanh sắt dài, nam thanh niên không cố định được nên loạng choạng. Người đi đường phải lách xa để không gặp tai nạn", chị Phương cho hay.

Ngoài ra, một mối tiềm ẩn nguy cơ với ngườ đi đường là những xe chở vật liệu xây dựng không được che chắn cẩn thận. Thậm chí, có xe đã che chắn nhưng không kín làm rơi cát, đất ra đường. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà có thể rơi trúng người đi đường.

"Những chiếc xe làm rơi cát, đất ra đường có khi chỉ gây mất vệ sinh đường phố. Nhưng biết đâu có thể xảy ra tình huống làm người tham gia giao thông bị dính bụi, cát...không quan sát được nên mất lái dẫn đến các vụ tai nạn khác", một người khác thắc mắc. 

Nên cấm những phương tiện chở cồng kềnh nguy hiểm

Những người lái xích lô chở tôn, sắt thép cũng vì mưu sinh kiếm tiền nhưng một cư dân mạng khác cho rằng: "Kiểu vận chuyển nguy hiểm này cần phải nghiêm cấm, đừng ngụy biện là vì miếng cơm, vậy sinh mạng con người tham gia giao thông thì sao?".

Cùng chung quan điểm này, một Facebooker khác yêu cầu: "Quá khủng khiếp. Đề nghị cấm tất cả các loại xe chở cồng kềnh các loại sắt thép vật liệu... Họ đi rất ngông nghênh và chẳng coi ngưòi cùng tham gia giao thông với mình là gì.

Facebook Hong Thuy cho hay: "Chẳng phải đến khi có tai nạn thương tâm thế này tôi mới ủng hộ việc cấm xe ba gác, xe thồ. Đồng ý là họ mưu sinh nhưng cứ cấm triệt để họ ắt sẽ phải tìm cách mưu sinh khác. Bản thân tôi đi ô tô mà còn hoảng hồn khi nhìn thấy những thanh sắt nhọn hoắt, dài ngoằng lao rầm rầm trên đường phố mà phanh thì chả hiểu độ ăn đến đâu".

 

 Xử phạt xe chở cồng kềnh như thế nào?

 

Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 (được sửa đổi bởi Thông tư 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/2/2011 Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 của Bộ GTVT) quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ: "Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

1. Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

3. Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe.

4. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,30 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,50 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2,0 mét.

5. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1,0 mét."

 

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Du lịch Quy Nhơn: Eo Gió hoang sơ và đẹp ngỡ ngàng