Ngừng ca thán là cách hiệu quả nhất để cuộc sống trọn vẹn niềm vui

Nguyên Ân 2016-01-08 09:45
- Thôi nào, đừng nghĩ về công việc. Chúng ta đừng đốt cháy nốt 2/3 quãng đời còn lại chỉ vì cái số 1/3 ít ỏi vốn đã không làm ta vui…

Mỗi lần gặp gỡ, “tụ tập” bạn bè, tôi đều nghe không biết bao nhiêu lời than thở, kêu ca chán nản của họ về công việc. Những so sánh, đắn đo, những tính toán, nghĩ ngợi… Người làm hành chính thì kêu ca, than thở với người làm kinh doanh. Người làm kinh doanh thì ghen tị với nhân viên hành chính. Người ngồi bàn giấy thì kêu tù túng, chật chội còn người phải chạy bát nháo ngoài đường thì chỉ mong có một ngày ngồi yên. Người làm việc “theo mẫu” thì kêu buồn tẻ, không có ý tưởng sáng tạo nào được người ta thừa nhận, người phải sáng tạo thì kêu đầu óc chai sạn quá rồi, muốn làm ra cái mới mà không nổi. Chưa kể những khó chịu, bực bội do nhân vật này, do con người kia, do “đứa” nọ, “đứa” kia gây ra trong 4 bức tường công sở. Rồi những nỗi khó chịu đến từ sếp nữa: sếp mê tiền, sếp không tâm lý, sếp chuyên môn kém, sếp nói khó ưa... Nghe nói, nhiều người nhảy việc không phải vì chán nghề hay chán những nhiệm vụ mình cần thực hiện, mà là chán cách nghĩ, cách làm của sếp…

Cuối cùng, ngày có 24 tiếng, người ta chỉ làm ở công sở từ 8-10 tiếng thôi, nhưng nó “kéo” xuống và làm tệ đi đến 2/3 thời gian còn lại. Nhìn trên diện rộng, thì có nghĩa là chỉ vì vài câu nói, chỉ vì chút không khí bực bội hàng ngày, chỉ vì vài ba chuyện khó ưa, chỉ vì tiền – hơn và kém, mà người ta làm cho 2/3 quãng thời gian còn lại đời mình, trở nên mệt mỏi, ám ảnh, thậm chí là bất an...

Ngừng ca thán là cách hiệu quả nhất để cuộc sống trọn vẹn niềm vui

Có một thời gian, khi tôi stress quá, tôi tưởng như mình có thể chết vì công việc không như ý, vì sếp không chịu công nhận điều tôi nói, vì đồng nghiệp bắt đầu “giậu đổ bìm leo”, tôi thất vọng, thê thảm và cùng cực, thì một người bạn của tôi đã nói: “Cuối cùng thì cậu định làm để sống hay làm để chết? Tớ không hiểu, vì sao cậu lại nghĩ quá nhiều như thế, chỉ vì công việc?” Tôi bảo bạn ấy rằng tôi không chịu nổi khi mọi thứ ở công sở đang diễn biến không như mình mong muốn. Rằng tôi sợ người ta sẽ đánh giá tôi không tốt chỉ vì phần công việc thất bại của mình. Bạn tôi đã cười, bảo tôi: “Lùi lại! Nghĩa là cậu buộc phải nhìn mọi thứ thật sòng phẳng. Đừng có “xông vào”. Cậu phải công nhận rằng, công việc là một phần, chứ không phải là tất cả con người của cậu”.

Sau hôm ấy, tôi bắt đầu nhận ra, bạn ấy hoàn toàn đúng. Có vẻ như với một người nào đó, khi để cho tất cả cuộc đời, cảm xúc, tính cách… bị đảo lộn lên chỉ vì công việc không may đảo lộn, thì có nghĩa là cuộc đời người ấy chẳng có gì để nói. Chẳng lẽ cuộc sống nghèo nàn đến nỗi ý kiến của sếp đủ làm ta sống chết? Cái nhìn xách mé của đồng nghiệp đủ làm ta chao đảo? Đồng lương cao thấp đủ làm ta mất đi sự tự chủ cần thiết cho đời mình hay sao? Rõ ràng, chúng ta có bao nhiêu lý do để yêu công việc, cố gắng và hi sinh vì công việc thì cũng có bấy nhiêu lý do để lùi lại và xếp nó vào một góc. Không phải thế là ta quên nó, không phải thế là ta ghét nó hay vô trách nhiệm. Chỉ là ta cân bằng lại, để tìm đến những niềm vui khác. Để giữ cho ta có đủ bình an mà hoàn thành phần công việc đang khó khăn của mình.

Hơn nữa, bản chất công việc là xáo trộn. Rồi bạn sẽ thấy, dù đang đứng trên mặt đất hay mặt nước thì sớm muộn gì cũng có ngày giông bão nổi lên. Tương tự, dù bạn đang làm dạng công việc nào thì cũng sẽ đến lúc bị đẩy vào khó khăn, bí bách, thậm chí là cùng cực. Ta không bao giờ có được một công việc bình yên vĩnh viễn. Thậm chí có được cái công việc bình yên ấy rồi, chính ta, vì sự nhàm chán của nó, sẽ không thể nào chịu đựng được lâu.

Phân chia lịch trình của cả một ngày sẽ thấy, 8h cho giấc ngủ, 8h cho công việc. Hai điều ấy đã liền mạch nhau. Chỉ còn khoảng 2h buổi sáng, 2h nghỉ trưa và khoảng 4h vào buổi tối là khoảng thời gian để cho bản thân ta được lắng nghe chính mình. Buồn hơn nữa là nó còn đứt quãng, luôn diễn ra trong sự vội vàng, trong cảm giác “nhăm nhe” bị ăn cắp vì muôn ngàn công việc đang lầm lũi diễn ra hàng ngày. Bởi thế, tôi không nghĩ chúng ta cần “ném” nốt những khoảng ngắn ngủi ấy cho công việc, hay chí ít là đừng mất thời gian để lãng phí nó hơn bằng những suy nghĩ miên man, mệt mỏi vì công việc. Những bữa trưa ồn ào cùng đồng nghiệp “lắm lời” mà chủ đề chính thuộc về công việc; những bữa tối vội vàng mà lý do chính cũng là bởi đi làm về muộn; những giấc ngủ căng thẳng, chập chờn bởi cái nhìn chẳng ra sao của sếp, dẫn đến một buổi sáng quáng quàng, vội vàng mê tơi là cái vòng luẩn quẩn mà những người không biết thoát ra khỏi quỹ đạo của công việc luôn gặp phải.

Tôi chưa từng nghĩ tiền là thứ đáng để coi thường, nhất là những đồng tiền do mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt. Và bởi vì tiền vô cùng quan trọng nên công việc để ta kiếm tiền luôn là vấn đề nhức nhối và đau đáu. Nhưng bạn có đồng ý rằng, càng “lao” vào công việc, càng đẩy hết thân tâm mình vào công việc và coi tiêu chuẩn đánh giá bản thân mình chính là tiêu chuẩn dành cho công việc, thì bạn càng dễ thất bại, bỏ cuộc hoặc đày đọa đời mình nhiều hơn?

Thôi nào, đừng nghĩ về công việc. Chúng ta đừng đốt cháy nốt 2/3 quãng đời còn lại chỉ vì cái số 1/3 ít ỏi vốn đã không làm ta vui… Bởi lẽ, dù ta nghĩ thêm về nó, dằn vặt thêm về nó hay đánh cược cả danh dự mình vào nó, ta vẫn phải sống cuộc đời của ta, vẫn phải yêu lấy những khoảng không gian chỉ để cho riêng mình! Hơn nữa, nay buồn mai vui, nay được khen mai lại phải nghe những lời chê trách, bạn có “lên đồng” với nó mãi được không?

Nguyên Ân 

(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

7 trào lưu làm đẹp 'lỗi mốt' bỗng dưng phát sốt