Lưu ý quan trọng mẹ không được bỏ qua khi bé sốt co giật

2016-01-15 15:04
- Sốt co giật chỉ xảy ra ở khoảng 2-4% trẻ dưới 5 tuổi. Khi bé bị sốt kèm co giật, bố mẹ có thể rất lo lắng và sợ hãi, cho rằng bé sẽ bị tổn thương não hoặc ảnh hưởng đến trí thông minh.

Các ông bố bà mẹ thường có câu cửa miệng khi con bị sốt “cho con uống thuốc ngay không sẽ bị co giật”. Nghe đến từ “co giật” ai mà chẳng sợ và liên tưởng đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như bại liệt, động kinh, thiểu năng não… Nhưng đó là quan niệm dân gian, thực tế sốt co giật có đáng sợ như mọi người nghĩ không?

Sốt co giật là hiện tượng trẻ bị sốt cao trên 38 độ C kèm theo co giật, gặp ở trẻ nhỏ từ độ tuổi 6 tháng – 6 tuổi. Trẻ từ 12-18 tháng tuổi là đối tượng dễ bị sốt co giật nhất.

Sốt co giật chỉ xảy ra ở khoảng 2-4% trẻ dưới 5 tuổi. Khi bé bị sốt kèm co giật, bố mẹ có thể rất lo lắng và sợ hãi, cho rằng bé sẽ bị tổn thương não hoặc ảnh hưởng đến trí thông minh. Tuy nhiên điều này không đúng. Ngoài ra, sốt co giật cũng không phải là dấu hiệu bé bị động kinh như mọi người vẫn nghĩ. Bệnh động kinh là bé bị co giật nhiều lần nhưng không kèm theo triệu chứng sốt.

Sốt co giật - những điều mẹ cần biết

Nguyên nhân gây ra sốt co giật

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị sốt kèm theo co giật, điển hình nhất phải kể đến một số nguyên nhân sau:

- Bé bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus

- Do tác dụng phụ của vắc xin sau khi tiêm chủng

- Do bé có tiền sử gia đình, người thân từng bị sốt co giật

Triệu chứng sốt co giật bố mẹ cần lưu ý

Sốt cao kèm co giật xảy ra khi thân nhiệt của trẻ trên 39 độ C. Khi bé sốt, mẹ cần đo nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên. Có nhiều cách đo nhiệt độ cho bé như đặt nhiệt kế ở hậu môn, ở miệng, nách, tai, trán. Trong số đó thì cách đo nhiệt độ ở hậu môn là chính xác nhất. Tuy nhiên chúng ta lại thường dùng cách đặt nhiệt kế ở tai hoặc nách.

Trường hợp nếu mẹ cặp nhiệt độ cho bé ở các vùng khác không phải hậu môn, mẹ cần cộng thêm từ 0,2-0,5 độ C thì mới chính xác.

Tùy vào triệu chứng, sốt co giật được phân thành hai loại: sốt co giật dạng nhẹ và nặng.

Sốt co giật dạng nhẹ: Trẻ mất ý thức và mặt, cánh tay, cẳng chân co giật nhẹ. Cơn co giật không kéo dài quá 1-2 phút. Sau khi hết co giật, trẻ ú ớ và thường buồn ngủ, nhưng tay và chân không gặp vấn đề gì bất thường.

Sốt co giật dạng nặng: Sốt co giật dạng nặng ít phổ biến, hiếm gặp hơn sốt co giật dạng nhẹ. Trẻ được xác định sốt co giật dạng nặng khi cơn co giật kéo dài hơn 15 phút. Sau khi hết co giật, tay chân trẻ có phần yếu đi.

Bé bị co giật được điều trị như thế nào

Dù bé bị sốt co giật dạng nhẹ hay nặng, bố mẹ vẫn cần đưa bé đến bệnh viện để chẩn đoán xem bé có bị viêm màng não hay không. Để chẩn đoán viêm màng não, bé sẽ được chọc dò tủy sống. Ngoài ra thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết khác do bác sỹ chỉ định.

Tùy từng trường hợp, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc chống co giật và theo dõi nhịp tim, huyết áp, hô hấp của bé. Thông thường với những trẻ bị co giật dạng nhẹ sẽ không cần phải nằm viện. Những trường hợp được xác định là co giật do động kinh, do nhiễm trùng nặng cần phải điều trị trong bệnh viện.

Sau khi đã ổn định và cắt các cơn co giật, bé được hạ sốt bằng acetaminophen hay ibuprofen qua đường uống hoặc trực tràng.

Sơ cứu cho bé khi bị sốt co giật

Trong thời gian chờ đợi xe cứu thương đến hoặc khi trên đường đưa bé đến bệnh viện, bố mẹ có thể thực hiện những sơ cứu cần thiết giúp giảm nhẹ triệu chứng cho bé.

- Cho bé nằm ở nơi thoáng mát, rộng rãi.

- Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ hết quần áo của bé nếu có thể.

Lưu ý quan trọng mẹ không được bỏ qua khi bé sốt co giật

- Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, lau toàn bộ người trẻ, lau tập trung nhiều ở vùng cổ, nách, bẹn.

- Cho bé uống thuốc hạ sốt ngay lập tức. Nếu bé không uống được, đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn.

- Bố mẹ theo dõi đồng hồ và ghi lại thời gian bé bị co giật. Điều này sẽ rất có ý nghĩa, giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh hơn.

- Tuyệt đối không ghì hay ôm chặt bé để ngăn bé co giật. Cũng không được đặt bất kỳ vật gì vào miệng bé. Nhiều người sợ con mình sẽ cắn vào lưỡi khi bị co giật nhưng thực tế tỷ lệ cắn vào lưỡi khi co giật rất thấp.

- Không cho bé ăn hay uống bất cứ thứ gì khi bé co giật.

- Khi bé co giật, không di chuyển bé, lay hoặc rung lắc người bé

- Khi trẻ qua cơn co giật, đặt trẻ nằm nghiêng, đầu hơi ngửa và thấp hơn so với cơ thể để tránh trường hợp trào ngược dịch vào phổi.

Trẻ bị co giật do sốt có nguy cơ tái phát co giật trong tương lai. Co giật tái phát có thể không xảy ra khi trẻ bị sốt hoặc có kèm sốt nhưng ở nhiệt độ khác so với lần co giật ban đầu. Hầu hết các cơn tái phát xảy ra trong vòng 1-2 năm sau lần co giật đầu tiên. Những trẻ có nguy cơ tái phát sốt co giật thường là:

- Trẻ nhỏ dưới 15 tháng tuổi.

- Trẻ bị sốt thường xuyên.

- Có bố mẹ hoặc anh chị em từng bị sốt co giật.

- Trẻ bị sốt không quá cao trước khi co giật.

- Thời gian từ lúc trẻ bị sốt đến khi trẻ bị co giật khá ngắn.

Phần lớn các trường hợp, sốt cao co giật không gây nguy hiểm đến tính mạng bé, cũng không ảnh hưởng đến hệ thần kinh hay trí thông minh của bé như nhiều người vẫn lầm tưởng. Tỷ lệ bị động kinh do sốt co giật khá thấp. Trẻ từng bị sốt co giật dễ bị co giật tái phát. Nhưng hiếm có trường hợp co giật nhiều lần dẫn đến bệnh động kinh theo như quan niệm của dân gian.

Hiền Thu
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 cung hoàng đạo 'đa nhân cách', lạnh lùng với người lạ, hào phóng với người quen