Khi người tiêu dùng bị "móc túi" từ khuyến mại, giảm giá "ảo"

2014-09-05 11:57
- (Em đẹp) – Sản phẩm lỗi, quá hạn hay tăng giá bán rồi "giả vờ" đề biển khuyến mại là những chiêu trò mà không ít người tiêu dùng gặp phải khi mua hàng khuyến mại, giảm giá.
Khuyến mại hàng lỗi, giảm giá hàng "vừa mới tăng giá"

Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để chiếm được thị phần tiêu dùng của khách hàng, nhiều siêu thị đã giảm giá sản phẩm, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi với mức giảm sâu tới 50%. Tuy nhiên, thực tế tại một số cơ sở hàng khuyến mãi lại là những sản phẩm có lỗi nhỏ về kỹ thuật, hàng tồn kho mẫu mã cũ, hoặc hàng đã có những vết trầy xước được “mông má” lại, những sản phẩm này đều đem lại rủi ro cho người tiêu dùng. Ngoài ra, một số nơi treo nhãn giảm giá 20 - 40% nhưng thực tế giá bán này vẫn tương đương với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, chỉ đơn giản là giá thành của sản phẩm đã được nâng lên rồi hạ xuống. 

Trước khi để biển khuyến mại, các chủ cửa hàng đã "kịp" tăng giá hàng hóa
(Ảnh minh họa)

Điều này làm giảm lòng tin của người tiêu dùng với các trung tâm bán lẻ điện máy. Anh Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) từng khá ưng ý với chiếc điện thoại Nokia giá rẻ N225 được giảm giá còn 1 triệu 300 nghìn đồng. Tuy nhiên khi cô con gái cho xem một chiếc điện thoại y hệt mà giá gốc chỉ có 1 triệu 200 nghìn đồng, anh mới biết mình đã bị “lừa”. Chênh lệch về số tiền không quá lớn, nhưng cũng từ đó mà anh trở nên cảnh giác với các mặt hàng khuyến mại của trung tâm thương mại điện tử và hình thành thói quen lên mạng “check” giá thành trước khi mua.

Hàng điện máy vốn là những sản phẩm có giá niêm yết rõ ràng, công khai, mà hình thức nâng giá lên rồi hạ giá xuống này vẫn được sử dụng triệt để, vậy những mặt hàng như quần áo, chăn ga gối đệm chẳng có lý nào lại không áp dụng hình thức giảm giá này. Điểm mặt những con phố lớn trên địa bàn Hà Nội tràn ngập biển quảng cáo đại hạ giá, hạ giá hàng hè có lẽ phải kể đến con phố Bà Triệu, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy. Khắp cả những dãy phố là biển quảng cáo hạ giá 20-30%, có những cửa hàng còn niêm yết giảm giá đến 50%, nhưng thực chất những mặt hàng được giảm giá tới 50% đều là hàng tồn kho xỉn màu, lỗi đường may hoặc hết size. Nhiều khách hàng ham của rẻ, dừng xe vào chọn mua nhưng rốt cuộc cũng đi ra tay không vì chẳng được cái nào ưng ý, hoặc, có những thứ mua về rồi mới nhận ra giá chẳng rẻ chút nào. 

Nhiều khi, với tâm lý “mình không lấy bây giờ thì người khác lấy mất” người tiêu dùng nhắm mắt đưa tay, trả tiền vội vàng mà không kiểm tra chất lượng hàng thực tế, hoặc có khi vì cửa hàng đông quá mà ngại thử đồ xem nó có thực sự hợp với mình hay không. Chị Thanh Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm vừa rồi có việc ở khu Chùa Bộc, thấy người người nườm nượp mua sắm mình cũng muốn mua theo, mua về được hai cái áo sơ mi mà chẳng mặc được cái nào, cái thì kích một tí, cái thì chẳng đứng dáng, lần sau không dám xông vào mua ồ ạt như người khác nữa.” Thông thường, hàng "Sale" thường xuất hiện ồ ạt trong khoảng thời gian chuyển mùa, hàng mới chưa kịp về, còn hàng cũ thì dồn một đống. Các shop phải nhanh chóng xả đồ cũ để quay vòng vốn và nhập hàng mới. Như vậy những món đồ đẹp, hợp mốt hầu như đã được tiêu thụ hết, còn lại chỉ là hàng hết size hoặc có lỗi nhỏ nào đó.

Quà tặng kèm: "Có cũng như không"

Ngoài chiêu trò giảm giá sản phẩm, các cửa hàng, siêu thị còn có hình thức khuyến mại bằng cách mua một tặng một, hay bốc thăm trúng thưởng. Ham hố với những lời chào mời mua một tặng một, mua hai tặng một, không ít người tiêu dùng phấn khởi với suy nghĩ “mình mua được như thế thì tính ra quá lời”, ngờ đâu, mua một đôi giầy chỉ được tặng kèm một đôi tất hay mua một chiếc bra xịn, chỉ được tặng một cặp quai trong. Sản phẩm mua về thì đắt mà hàng tặng kèm lại chả có giá trị là bao. Trong sự việc này người tiêu dùng đã quá chủ quan, không hỏi trước, để đến khi thanh toán xong mới ngớ người ra vì quà tặng. Thực chất, hầu hết các đại lý ăn hoa hồng khá lớn từ chiết khấu của doanh số bán hàng nên nhiều quà tặng đều do đại lý tự ý đưa ra nhằm câu khách mà thôi, giá trị thực của quà tặng chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà họ kiếm được. 

Thông báo mua 1 tặng 1 thực chất là "Mua 1 đôi giày tặng 1 đôi tất" hay tệ hơn "Mua 1 chiếc áo, tặng 1 đôi quai áo"

Ngoài ra, các khuyến mại trúng thưởng tặng phẩm hoặc tiền thông qua hình thức phiếu may mắn hay rút thăm trúng thưởng cũng là một trong những chiêu trò được không ít doanh nghiệp sử dụng. Thường thì rất khó kiểm chứng được sự thật bởi khó xác định có ai trúng thưởng hay không nếu doanh nghiệp không công bố người trúng thưởng hoặc công bố “giả”. Thêm vào đó, không ít trường hợp người tiêu dùng bốc được phiếu trúng thưởng nhưng không được công nhận như trường hợp của ông Tạ Văn Ẩn, 62 tuổi, ngụ Bình Dương mua mì ăn liền hiệu “Unif bò rau thơm” do Công ty Tribeco Bình Dương sản xuất và nhận được một phiếu trúng thưởng 100 triệu đồng. Nhưng sau khi liên hệ nhận thưởng thì doanh nghiệp không đồng ý chi trả với lý do phiếu trúng thưởng không hợp lệ và đề nghị chỉ “hỗ trợ” 5 triệu đồng. Trường hợp của ông đến nay vẫn khiến rất nhiều người tiêu dùng bức xúc về tính thực hư của chương trình khuyến mại này và cách hành xử thiếu tôn trọng của doanh nghiệp với người tiêu dùng. 

Trên thực tế không ít khách hàng đã đặt câu hỏi làm thế nào để biết hàng khuyến mại có thực sự tới tay người tiêu dùng hay không? Hoặc, giả sử nhiều đại lý nhận quà khuyến mại nhưng đem hàng cho người nhà, rồi trả lời với khách hàng rằng:“Do số lượng có hạn, chị/anh thông cảm” thì người tiêu dùng biết làm thế nào? Có lẽ cũng chỉ đành ngậm ngùi ra về mà không được hưởng đúng quyền lợi của mình mà thôi. 

Những tháng cuối năm, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ... liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt, vì vậy người tiêu dùng cũng cần tinh tế hơn trong việc mua hàng trong thời gian khuyến mại. Tốt nhất, người tiêu dùng nên lập một danh sách mình cần mua, khảo giá trước trên mạng internet, đi cùng những người am hiểu về sản phẩm để được tư vấn tốt nhất. 

Người tiêu dùng cũng không nên ham rẻ mà mua đồ một cách vội vàng, cần kiểm tra sản phẩm kỹ lưỡng trước khi mua vì hầu hết những sản phẩm này đều là hàng mua rồi miễn đổi lại. Với các sản phẩm có hạn sử dụng, người tiêu dùng cần xem kỹ hàng đã gần hết hạn hay chưa, liệu mua về có thể sử dụng được không rồi quyết định. Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua hàng khuyến mại, ngược lại, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, cửa hàng cũng cần đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong các hoạt động kích cầu mua sắm của mình.
Tiểu Nguyễn
logo smaill


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 con giáp luôn chất chứa những tâm sự thầm kín