8 gợi ý cho món ngon đãi khách nhân dịp nghỉ lễ 2/9

Huyền Chi 2014-08-31 06:11
- (Em đẹp) - Bạn đã nghĩ ra món gì để đãi gia đình nhân dịp 2-9 này chưa? Nào thì gỏi cuốn, bún măng vịt hay đơn giản là làm món gà quê xé phay?
Những năm tháng cũ kỹ, khi gia đình tôi hay tụ tập vào những dịp nghỉ lễ, khi đó kinh tế còn dồi dào, cuộc sống giản đơn. Khi đó chúng tôi ở bên nhau. 

Mùa Hè chúng tôi thường nướng thịt, nấu súp ngoài trời. Mùa Đông, chúng tôi thường ăn các loại lẩu. Còn rau dưa, gà, vịt thì là nhà "sản xuất" được nên quanh năm bố mẹ tôi có: Gà 3 món, bún măng vịt và cá om dưa ăn mãi không chán. 

Dưới đây là 8  gợi ý của tôi về các món ăn cho cả gia đình vào dịp nghỉ lễ. Tuỳ theo sở thích cá nhân cùng với những nguyên liệu có sẵn và cả thời tiết nữa mà bạn chọn món và biến tấu cho phù hợp nhé.

1. Gỏi cuốn 


Gỏi cuốn là món được ưa thích vào những hôm nóng giời. Các thành viên trong gia đình tôi đều thích vì được tự gói theo ý mình - thích gì thì gắp nấy; tuy nhiên một số khách tới chơi thì ngại, họ cho hết vào bát - không thể ngon bằng khi ăn cuốn được.

Nếu sợ khách ngại, bạn gói sẵn rồi cắt miếng ra cũng đẹp lắm.

Tuỳ theo sở thích mà bạn chọn loại gỏi cuốn cho phù hợp nhé. Gỏi cuốn tôm thịt, gỏi cuốn cá nướng với lớp da giòn rụm và thịt thì thơm ngọt, gỏi cuốn bò.


Một vài lưu ý cho món gỏi cuốn ngon

- Rau thơm là yếu tố rất quan trọng. Thông thường, bạn nên chọn rau có màu thẫm, lá nhỏ thì sẽ giòn và thơm hơn. Tuỳ theo loại gỏi mà bạn chọn loại rau phù hợp, nhưng tuyệt nhiên không được thiếu.
- Trong các nguyên liệu gỏi cuốn nên có một vài điểm nhấn, ví dụ như cà rốt giòn ngọt chua nhẹ, một miếng hành muối chua cắt ngang vị thịt luộc chẳng hạn, thì khi ăn sẽ thấy thú vị và không ngán.
- Bạn nên chọn loại bánh tráng dùng cho gỏi cuốn. Loại bánh này dai, khi bạn cuốn sẽ không bị vỡ. Nếu bánh tráng mỏng hoặc bở quá thì khi bạn cuộn, cắt, cắn sẽ vỡ ra vừa "nhoe nhoét" lại vừa khó ăn.
- Nước chấm gỏi cuốn quyết dinh tới 50%-60% là món ăn của bạn ngon hay không. Bạn nên học cách pha nước chấm để không bị cuống nhé. Không khó lắm đâu. Thường thì ta bắt đầu từ tỉ lệ 1:1:1:4 mắm đường dấm nước,  rồi ta chỉ cần điều chỉnh thêm một chút là được (dùng một nửa chanh/ một nửa dấm sẽ ngon hơn).  Ngoài ra thì có những loại nước chấm khác cũng rất ngon như là sốt hoisin chưng với bơ lạc, hay nước chấm nước lèo ở Huế và Đà Nẵng. Nếu có dịp thì bạn nên thử nhé. 

2. Cá om dưa 

Bạn hoàn toàn có thể biến món cá om dưa thông thường thành món lẩu. Chỉ cần thêm rau, đậu phụ, thịt bò và cá đã lọc xương thái lát mỏng là ngon lành rồi. 


Một vài lưu ý cho món cá om dưa ngon

- Phi thơm hành củ và cả hành tây rồi cho dưa cải muối (đã vắt bớt nước) cùng cà chua vào xào chung -  như thế dưa sẽ ngọt đậm đà, săn mà không khô, ngon hơn là xào cà chua trước. Bạn nhớ xào với một chút mắm, khi săn rồi thì cho nước vào xăm xắp, khi sôi thì cho đầu đuôi xương cá và 1-2 quả ớt đập dập vào, hạ lửa om liu diu.
- Khi om dưa cá, bạn chỉ để xăm xắp nước, cho hơi đậm đà một chút, nước mà sôi lên rồi thì phải vặn nhỏ lửa đi - như thế, các nguyên liệu mới đậm đà mà không bị xác. Tới khi sắp ăn ta mới chế/châm thêm nước dùng. 
- Chỉ ninh phần đầu và đuôi cá để cho ngọt nước, phần thân cá, ta ướp sẵn, lúc nào sắp ăn mới cho vào luộc chin tới rồi gắp đĩa ăn nóng. Bạn cũng có thể lọc thịt cá, thái mỏng, ướp với một chút nước gừng, tiêu muối, ớt và bày đẹp lên đĩa để sau chần ăn lẩu.  

3. Bún măng vịt 

Bún măng vịt cũng là một trong những món yêu thích của gia đình tôi. Bạn cỏ thể ăn bún nguội -  với vịt luộc, nước chấm chua ngọt (nửa xì dầu - nửa mắm) kèm bát canh bên cạnh, ăn bún nóng hoặc làm thành lẩu đều ngon. 


Một vài lưu ý cho món bún măng vịt ngon

- Măng nên được xào cùng xương cổ cánh sống thì sẽ thơm ngọt hơn. Để thơm hơn nữa, bạn ướp xương vịt với tỏi băm, nước gừng, ớt, hạt tiêu, mắm, gia vị và dấm, để chừng 15 phút rồi mới đem đi xào. Trước tiên ta đảo xương vịt 2-3 phút rồi thì cho măng đã luộc vào xào cùng. Khi các nguyên liệu đã ngấm, ta cho nước dùng vào đun sôi, hớt bọt rồi vặn nhỏ lửa om liu diu.
- Món măng vịt này khá kén măng. Nếu măng bị hăng hoặc đắng quá sẽ làm hỏng cả nồi. Đôi khi bạn phải luộc măng với dấm 1-2 lần, rửa sạch rồi mới dùng được. 
- Phần thịt ức vịt, nếu bạn định xé ra để ăn cùng với bún thì nên ướp với một chút gia vịt, hạt tiêu mới rang và nước cốt chanh, ướp hơi đậm một chút chút thì khi ăn sẽ vừa vặn và thơm ngon hơn. 
- Món măng vịt mà thiếu mất lá mùi tàu/ngò gai hay không có rau húng chó/húng quế ăn kèm thì coi như là mất ngon đi một nửa. 
- Để nước dùng được thơm, bạn nướng gừng và hành rồi cạo cháy chứ không rửa, đập dập rồi cho vào đun cùng. Tới khi nồi nước đủ thơm thì vớt gừng ra. 

4. Vịt om sấu 

Tương tự với món bún măng vịt và cá om dưa,  món vịt om sấu này hoàn toàn có thể biến tấu thành món lẩu cả nhà ngồi ăn rất vui. 


Để cho món ăn được đậm đà, bạn đừng quên khâu tẩm ướp và khâu om vịt trước khi cho thêm nước dùng nhé. 

5. Nướng thịt ngoài trời 

Mình thích nhất là nướng thịt ngoài trời. Kê một cái bàn to, bày sẵn nào bánh mì, nước chấm, rau thơm, salad, bát đĩa rồi thì vừa thay nhau nướng, vừa uống bia, vừa ăn uống và nói chuyện rất vui. Đây cũng là món mà gia đình mình hay làm vào cuối tuần nhất. 

Khi đã chán với thịt lợn bạn có thể chuyển sang nướng cánh gà, nướng bò, nướng hải sản và cả rau củ quả nữa.


Một vài lưu ý cho món thịt nướng ngon

- Để thịt nướng được ngon bạn phải cẩn thận từ khâu chọn thịt. Bạn có thể chọn thịt ba chỉ ngon, thớ đều nhưng bên cạnh đó thì những miếng nạc vai dắt mỡ trong thớ thịt, khi nướng lên cũng sẽ rất ngon. Thịt sẽ không bị khô mà khi ăn cũng không bị ngán ngấy.
- Bạn không nên cắt thịt mỏng quá, thịt sẽ dễ bị khô xác sau khi nướng. Ta muốn miếng thịt nướng - ở ngoài thì vàng, có thể hơi giòn nhưng bên trong vẫn mềm ngọt.
- Bạn chỉnh lửa cho phù hợp để thịt không bị chảy nước khi nướng (vì nhiệt thấp quá) mà cũng không bị cháy sống (vì lửa lớn quá). Khi mới cho thịt lên nướng, bạn để thịt ở khu có nhiệt vừa phải, để thịt chín. Khi thịt chín rồi thì bạn cho sang khu nhiệt cao hơn để lấy vàng và giòn. Khi đã xong rồi thì bạn để vào khu chỉ giữ thịt nóng thôi chứ không chín thêm - hoặc là gắp ra đĩa. 
- Thịt đã ướp nên được nghỉ ở trong tủ lạnh ít nhất là 30 phút. Mình thích ướp thịt sẵn từ chiều hôm trước với hành, tỏi sả, ớt và gia vị cho vừa vặn (kiểm tra bằng cách cho một miếng vào lò vi sóng quay). Ngày hôm sau, trước khi nướng 15-30 phút mình trộn thêm nước hàng, đường, rượu và dầu ăn. 

6. Gà 3 món 

Gà luộc - gà xé phay - miến gà.
Đây là món mà gia đình mình hay làm nhất. Gà ở vườn bắt lên, cắt tiết, làm lông rồi cho vào nồi luộc vừa tới, để nguội, chặt ra chấm với tiết dằm.
Phần ức gà thì làm gà xé phay với hành tây, một chút cà rốt và rau răm. 
Phần lòng gà thì để nấu miến với nấm hương, mộc nhĩ và hành răm.


Một vài lưu ý cho món gà được ngon

Nguyên liệu chính là gà, bạn phải lựa được gà ngon, thịt chắc ngọt, không bị bở nát cũng không dai nghoách. 


Cho món miến: 

- Để làm "nhân", bạn phi thơm hành khô, cho mộc nhĩ và nấm hương thái sợi vào xào săn và ăn mắm muối, rồi cho lòng gà đã ướp mắm tiêu vào xào chín tới. Bạn nhớ nêm hơi đậm một chút (chứ không mặn quá) để khi cho vào miến vẫn đậm đà. 

- Lòng xào sẽ cho vào sau khi miến đã chín. Nếu bạn cho lòng đã xào vào nước dùng đun lên rồi mới nấu miến, thì độ đậm của lòng sẽ bị phôi đi, lòng gà lại bị nấu kỹ ăn không ngon. Miến đã nhạt rồi, bạn không muốn ăn một bát miến mà cái gì cũng "nhờ nhờ".

- Nấu miến gà thì tất phải có hành răm mới dậy mùi, hay ít ra bạn phải có mùi tàu. Thiếu rau răm, món này sẽ giảm hấp dẫn đi rất nhiều. 

- Tuỳ từng loại miến, tuy nhiên nhìn chung bạn chỉ nên rửa sạch và ngâm một lúc để cắt dễ hơn chứ ngâm hoặc nấu kỹ quá đều làm miến bở nát ăn rất chán. Bạn cũng đặc biệt không cần chần miến nhé. 

7. Bún nem 

Nhà mình hay làm nem vào mùa đông hơn, nhất là dịp tết và Noen thì làm tới cả 200 cái để vừa ăn vừa đem cho hàng xóm. Tuy nhiên, bún nem ăn vào mùa nào cũng đều được cả.


Một vài lưu ý cho món nem đươc ngon

- Thịt băm ngon hơn thịt xay. Còn nếu xay thì phải chọn máy xay mà sao cho thịt không bị nghiền ép tới bở nát. 
- Băm thịt cùng với hành củ, thịt sẽ thơm hơn; Trộn thịt cùng với hạt tiêu trước khi trộn thêm các nguyên liệu khác.  

- Dùng vỏ bánh đa mỏng và gói nhiều lớp sẽ ngon hơn là dùng vỏ bánh tráng gỏi cuốn - ăn cứng và dai. Vỏ bánh phải giòn mà không cứng. 
- Đừng dùng nhiều trứng quá vì nhân bị ướt, nem sẽ không giòn được lâu. 
- Các nguyên liệu rau củ như cà rốt, su hào để cân bằng với thịt, tăng độ ngọt và xốp cho nem nhưng cũng để tăng khẩu vị nữa. Bên cạnh những sợi hay miếng nhỏ ta cũng nên để một vài miếng to hơn để khi ăn ta sẽ cắn phải những miếng dòn và vị ngọt mát ứa ra. 
- Luôn dùng hạt tiêu mới xay. Nem rất ngốn hạt tiêu.  
- Rán nem 2 lần, lần một để chín, lần hai để giòn. 
- Miến cho vào nem, chỉ ngâm qua nước lạnh cho mềm. Nếu miến bị nát thì khi cho vào nem sẽ dễ bị bở. 

8. Một số món khác cho bạn tham khảo

Ngoài những món trên thì còn một số món dưới đây cũng rất ngon, bạn tham khảo thêm nhé: 

- Lẩu cá hoặc lẩu hải sản
- Lẩu riêu cua bắp bò
- Lẩu gà nấm
- Lẩu  khô gà (với măng khô và bia)
- Lẩu sườn sụn
- Lẩu cháo chim/gà
- Ốc om chuối đậu 
- Lươn om chuối đậu và lươn cuộn thịt ba chỉ nướng/rán 

Hay nếu trời lạnh một chút bạn có thể làm sốt vang hoặc súp thịt bò ăn với bánh mì và khoai tây chiên cũng rất hay. 



Với những gợi ý ở trên, mình hi vọng là bạn sẽ chọn được món ăn phù hợp để đãi khách. Đó là những món mà gia đình mình hay làm khi còn thường xuyên trở về bên nhau. Chúc bạn và gia đình có một kỳ nghỉ lễ thật vui vẻ và hành phúc nhé! 

Nàng chủ bếp Huyền Chi
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 kiểu tóc xoăn retro thời thượng biến mặt O-line núng nính thành mặt V-line đẳng cấp